"Cá không ăn muối cá ươn,
Con cãi cha mẹ trăm đường con hư"
Từ rất lâu rồi câu ca dao trên đã định hình một nếp nghĩ lối mòn cho những đứa trẻ Việt Nam. Cha mẹ có tầm nhìn và cởi mở thì con sẽ có định hướng tốt, và ngược lại. Cho nên nó vừa là một công cụ giáo dục tốt vừa cùng lúc có tác dụng tiêu cực không ngờ. Nhưng ở đây chỉ kể chuyện tôi hai lần cãi mẹ.
Mẹ tôi là một người đáng kính phục, có lập trường rõ ràng và kiên quyết với mục tiêu đã đề ra. Dù không có có điều kiện tiếp thu tri thức cao hơn cấp tiểu học do chiến tranh loạn lạc nói chung và khó khăn của vùng giải phóng thường xuyên bị quân đội chính quyền Sài Gòn đi tuần tra càn quét bằng trực thăng, nhưng có lẽ do mẹ tôi là người lớn lên từ trong đau thương của chiến tranh, tận mắt nhìn thấy người thân của mình bị chết vì đạn pháo và bom cháy, nên cái ý chí kiên cường để sống đã ăn sâu vào trong tiềm thức. Là người khuyến khích con cái học tập để mở mang tri thức, mẹ tôi luôn cảm thấy tự hào khi những đứa con lần lượt mang về nhà những tấm bằng khen nhỏ to nhờ thành tích học tập ở trường, ở các cuộc thi cấp tỉnh, cấp quốc gia và cũng buồn khi có đứa nào đó ham chơi bị thầy cô khiển trách. Tuy nhiên, tri thức càng nhiều thì sẽ nảy sinh những tư tưởng mới có thể xảy ra xung đột với tư tưởng lối mòn.
Chuyện thứ nhất, là chuyện về tôn giáo. Bà nội tôi là một Phật tử, và do đó trong chứng minh thư của những người trong nhà cũng vì thế phải ghi là theo đạo Phật mặc dù thực tế thì điều đó chỉ có thể cho người ta biết là trong nhà tôi có cái bàn thờ Quan âm, còn sau này rất nhiều khi tôi ghi không có tôn giáo trong các giấy tờ không có liên quan đến thủ tục hành chính. Lúc tôi đi làm giấy chứng mình trễ (trước đó 1 năm các bạn bè cùng lớp đã làm xong hết, còn tôi không thích "theo tập thể một cách miễn cưỡng" và cũng vì có một cảm giác bị cô lập do mình có tư tưởng không bình thường như mọi người nên không làm luôn cho nó hợp lý), chỉ vì cái chỗ ghi tôn giáo đó mà tôi và mẹ tôi cãi nhau mấy ngày trời, mẹ tôi thì một mực cho rằng thờ cúng tổ tiên là đạo Phật (?!), Phật giáo là truyền thống của ông bà do đó tôi phải ghi theo (?!), nếu không có đạo Phật thì tôi ở đâu mà sinh ra (?!), và nếu tôi phủ nhận chuyện đó thì tôi là đứa không biết cội nguồn (?!). Nếu mẹ tôi nói theo kiểu mình nên theo đạo Phật để "bảo tồn và phát huy tôn giáo gia đình" hoặc không bị ảnh hưởng tiêu cực từ các tôn giáo khác (ở quê tôi tập trung rất nhiều tôn giáo trên một địa bàn nhỏ và sau đó có nhiều hiện tượng tôn giáo này tôn giáo kia gây ảnh hưởng đến cộng đồng để thu hút tín đồ) thì nhiều khi nghe có lý hơn, dù tôi vẫn sẽ giữ nguyên ý là mình không có tôn giáo, theo đúng luật tự do tín ngưỡng mà tôi được học trong môn giáo dục công dân ở trường, và cũng vì tôi thấy rõ ràng thực tế mình không hề thực hành hay tham gia vào các nghi lễ tôn giáo nào, mà chỉ đơn thuần là tín ngưỡng dân gian (thờ cúng tổ tiên). Thật ra, điều này sau khi vào đại học, kiến thức từ môn Lịch sử văn minh phương Đông cho tôi biết rằng Phật giáo hòa đồng vào văn hóa tín ngưỡng dân gian mà mẹ tôi là một điển hình chịu ảnh hưởng từ đó mà cứ nghĩ rằng cái này là cái kia . Tuy nhiên, lúc đó với mớ lý luận mà không có tài liệu để dẫn chứng mẹ tôi không bao giờ chịu rằng tín ngưỡng dân gian (thờ cúng tổ tiên) có từ rất lâu trước khi cả Phật giáo hay bất cứ tôn giáo nào ra đời!
Rốt cục, để không làm cho mẹ tôi nổi giận hơn nữa, người lớn khi giận vì không thuyết phục được con cái rất tếu chỉ đòi (giả bộ) làm mấy chuyện tự hành hạ bản thân trước mắt tôi là tôi sợ nên đành miễn cưỡng khai theo ý mẹ, mặc dù tôi bảo lưu ý kiến của mình vì tôi thấy trong chuyện đó mình hiểu rõ vấn đề, nhưng cái định kiến giới hạn không thể làm mẹ tôi chấp nhận. Tôi chưa biết sau này nếu tôi kể lại chuyện này và trưng những tư liệu vừa kể thì mẹ sẽ phản ứng ra sao, chỉ biết rằng gần đây mẹ tôi lại đang lo chuyện không có cháu để bồng nên cố gắng ghép đôi hết cô này đến cô khác cho tôi kể cả không cần quan tâm cô đó theo tôn giáo mà trước đây vì có phần sợ tôi bị ảnh hưởng tôn giáo đó nên mẹ tôi đã bắt tôi phải khai theo ý mẹ trong chứng minh thư. Nói chung là tôi chỉ biết lắc đầu mà cười. Cái gì chủ quan duy ý chí thì không có kết quả bền vừng và lâu dài.
Chuyện thứ hai, tôi thích để tóc dài từ nhỏ, có lẽ do di truyền từ thế hệ trước. Sau này qua một số nguồn sử liệu tôi được xác nhận lại rằng truyền thống của đàn ông xưa ở Việt Nam là để tóc dài, bó thành củ tỏi đằng sau, còn phụ nữ thì thường để tóc xõa ngang lưng, hay búi lại rồi vấn ở sau đầu như phái nam, chỉ đến khi thời kỳ giao lưu văn hóa với phương Tây, thì nam giới mới cắt tóc ngắn, còn nữ giới thì ngoài để tóc dài còn có uốn tóc hoặc kẹp tóc.
Tết năm nào về nhà, tôi cũng bị buộc đi cắt tóc mà không được tự quyết. Riêng năm 2010, đặc biệt trước đó mái tóc dài của tôi được rất nhiều người yêu thích nên tôi có động lực hơn để giữ lại, và lịch sử lặp lại như khi đi làm chứng minh thư. Mẹ tôi nhân tiện gộp nhiều chuyện không ăn nhập gì với nhau để mắng tôi xối xả, nhằm làm cho tôi có cảm giác mình mắc tội rất nặng khi cãi mẹ mà để tóc dài, vì theo mẹ để tóc dài thì sẽ là dân "du côn", là "đầu đường xó chợ". Nhưng rất tiếc từ nhỏ tôi đã không vì những lời mẹ mắng (thường theo góc nhìn chủ quan người lớn) mà giận mẹ hay bị lung lay quan điểm, dù chưa bao giờ tôi phản bác theo những gì tôi nghĩ trong đầu trong lúc suy tư để giải thích nguyên nhân tại sao mình bị mắng. Lần này, nhờ đã chuẩn bị trước tôi biện luận và đưa ra ví dụ về những người để tóc dài nổi tiếng và không hề có sự ác cảm của cộng đồng vì quan điểm của mẹ tôi trước sau vẫn là đứa nào không phải con gái mà để tóc dài là hư hỏng, là dân quậy phá, là hết xài (?!), trong khi tôi không thấy ai phản ứng như vậy với con gái cắt tóc ngắn. Có phải đó là một biểu hiện của sự bất bình đẳng về giới? Khi tôi nói rằng tôi có nhiều bạn bè rất giỏi, rất ngoan và cũng để tóc dài thì mẹ tôi lại bổ sung thêm rằng tóc dài không thể đi làm cho các cơ quan trường học nhà nước (?!) trong khi tôi không thích và chưa bao giờ có ý định sẽ đi làm như vậy! Thế nhưng thực tế chứng minh ông thầy dạy môn Cơ sở Văn hóa Việt Nam đầu tiên của tôi là một người có mái tóc dài bồng bềnh, và là một nhà giáo rất được coi trọng. Mẹ tôi khi nghe tôi nói điều này thì cũng đuối lý rồi, nên bắt đầu sử dụng lại chiêu thức năm xưa. Thế là một trận khóc lóc diễn ra, đầu tiên là mẹ tôi đòi làm đủ thứ chuyện để hù tôi, và lần này là mẹ tôi tự đánh mình thiệt luôn ngay trước mặt tôi, nếu tôi mà không chịu nói sẽ đồng ý đi cắt tóc thì chắc là mẹ tôi tự đánh mình đến ngất xỉu! Tôi thấy quá vô lý, nên uất ức và khóc ngon lành (vừa khóc vì giận vừa khóc vì lo cho sức khỏe của mẹ) nhưng trước khi đi cắt tóc với gương mặt ướt đẫm tôi phải nói thẳng ra những gì mình nghĩ đề đề phòng tất cả trường hợp khác tái diễn, rằng tôi đi cắt tóc lần này là vì thỏa thuận với mẹ chứ không phải là vì tôi để tóc dài là sai trái mà tôi buộc phải đi cắt, và chính mẹ ép tôi cắt chứ bản thân tôi thích để tóc dài từ rất lâu rồi, và vì tóc ngắn là mốt theo phương Tây vào cuối thời kỳ phong kiến Việt Nam mà thôi. Cuối cùng, tôi chốt lại rằng sau khi cắt tóc xong, nếu tôi chứng mình được để tóc dài mới đúng là "truyền thống dân tộc" thì mẹ không được phản ứng gì về vấn đề này nữa. Tôi không biết mẹ lúc đó nghĩ gì, nhưng sau khi đi cắt tóc xong về thấy mẹ cười tươi như chưa bao giờ có chuyện mẹ tôi tự đánh mình hay giận dữ vì chuyện tôi để tóc dài (tuyệt chiêu của người lớn để đạt mục tiêu đề ra đã bại lộ chăng?!), còn tôi thì cái mặt đơ ra suốt cả ngày không thèm nói chuyện có biểu cảm, cho đến khi... cả nhà về quê ngoại, và mẹ tôi đã chấp nhận thua tôi lần đầu tiên. Vì ở nhà ngoại còn nguyên bức họa ông cố để tóc dài chấm gót, với sự xác nhận của các anh chị em của mẹ rằng ông cố để tóc từ nhỏ cho tới khi chết đi! Từ lúc đó trở đi, mỗi khi về nhà mà gặp hàng xóm mẹ tôi thường đùa rằng "sinh có một đứa con gái (tức là em gái sau tôi) mà giờ có hai đứa con gái (ý nói tôi để tóc dài giống con gái)" thay vì cảm thấy khó chịu, và mỗi khi muốn tôi đi cắt tóc thì mẹ chỉ nói nhẹ nhàng theo kiểu "hay là đi cắt tóc đi" chứ không phải theo kiểu ép buộc bằng mọi giá như trước nữa, và dĩ nhiên tôi lắc đầu cười trừ. Tóc dài mới là phong cách của tôi, và tôi tự hào trả lời với nhiều người rằng "để tóc dài là noi gương tiền nhân". Đúng là có nền tảng lý luận cho việc mình làm lúc nào cũng không sợ những luận điệu phản bác vô cớ chỉ vì sở thích cá nhân.
Để kết thúc bài hồi ức này, tôi muốn cảm ơn mẹ tôi, vì đó là người đã khuyến khích tính hiếu học của cá nhân tôi, là mấu chốt quan trọng để tôi có những suy nghĩ thoát khỏi lối mòn để trở thành một siêu nhân tóc dài như ngày hôm nay, dù đã có tiềm năng trở thành nhà suy tư học từ thời con nít. Với tôi, đó là hai hồi ức đẹp về người mẹ tuyệt vời của mình. Các bạn có ai muốn cãi mẹ như tôi không?!
0 bình luận:
Đăng nhận xét