Thứ Năm, 23 tháng 4, 2020

Vấn đề dịch bài hát qua trường hợp bolero tiếng Anh

Hôm nay tự nhiên mắc nói nên viết không thôi quên. Bài đăng lần đầu ngày 16/08/2019 trên Facebook, sau đó đăng lại trên Wordpress ngày 22/08/2019. Giờ đăng chính thức trên trang này.

Có bạn gì đó mình không tiện nêu tên là giáo viên ngôn ngữ mà phóng tác lời tiếng Anh cho tân nhạc Việt Nam phong cách bolero thật sự rất "bá đạo" vì bạn dám chính thức dùng chữ "dịch" cho phần lời tiếng Anh vốn chỉ mới là dịch thô chưa qua biên tập chéo, chưa qua hiệu đính của nội dung bất chấp ngữ pháp người bản xứ nghe không hiểu.

Điều này mình đã nói rõ trong đề tài "Dịch thuật trong âm nhạc và bước đầu xây dựng kho dữ liệu lời bài hát Việt-Anh và Anh-Việt" từ năm 2009 (Phan Tuấn Quốc, https://www.academia.edu/37313416/) và sau đó được trích dẫn nghiêm túc trong bài báo khoa học "Biên dịch lời bài hát Việt-Anh, Anh-Việt" vào năm 2014 (Nguyễn Ninh Bắc, http://www.vjol.info/index.php/NNDS/article/viewFile/19926/17499)

Bạn có ý tưởng không mới, bạn có nhiều năng lượng và thích làm việc liên tục tập trung rất hiệu quả về kĩ thuật biểu diễn nhưng tiếc là nỗ lực một phía đó lại tạo ra chủ yếu là các "thảm họa ngôn ngữ" do thiếu những chiều sâu nhất định về cảm thụ văn chương thi ca xuyên ngôn ngữ mà trong trường hợp này hoàn toàn thiếu vắng vai trò hiệu đính của một nhà chuyên môn (ca sĩ, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc) nói ngôn ngữ đích với tư cách tiếng mẹ đẻ. Đó là một thiếu sót nghiêm trọng.

Điều đó không khác gì hiện tượng các nhạc sĩ dù giỏi chuyên môn nhưng thiếu kiến thức trầm trọng về ngoại ngữ (chứ chưa nói là kĩ năng dịch bài hát, vốn là chuyên ngành nghiên cứu của mình) nhưng hào hứng quảng bá âm nhạc Việt Nam ra thế giới nên tạo ra các "bản dịch" đọc lên không biết nên khóc hay nên cười.

Hoặc một ví dụ khác là bản thân mình lúc còn là học sinh cấp ba rảnh rỗi tự huyễn hoặc bản thân là ngoại ngữ cao siêu do không có ai phản biện giúp nên cũng "dịch" một loạt bài hát thuộc dạng phổ biến đương thời và thậm chí còn viết lời lẫn nhạc nữa, nhưng mình khác bạn là không có điều kiện để thu âm phát sóng những "tác phẩm" đó nên hên quá chưa ai bị hư lỗ tai.

Đến khi thực sự bắt đầu nghiên cứu nghiêm túc về phương pháp dịch bài hát thì mình mới bắt đầu tự phân thân để phê bình và chỉnh sửa muốn nát các bản dịch bài hát ở dạng thô của chính mình cách đây cả chục năm lúc chưa hề biết thế giới dịch thuật rộng lớn ra sao.

Thiết nghĩ, bạn chỉ nên khiêm tốn dùng chữ "phóng tác" thôi để tránh bị cộng đồng dịch thuật phía đầu bên kia của ngôn ngữ xem thường và cũng để tạo không gian hợp tác phản biện hiệu chỉnh bản dịch tới độ hoàn chỉnh tương đối để phần nào đáp ứng mục đích tốt đẹp ban đầu là giúp truyền cảm hứng cho người học ngoại ngữ qua sở thích âm nhạc.

Còn nếu bạn muốn dịch bài hát nghiêm túc, cần thêm nhiều thứ lắm. Ngay cả nhạc sĩ Phạm Duy đại tài về bài hát song ngữ còn không dám dịch bài hát mà chỉ phóng tác thì đủ biết rồi.

Nếu mấy bạn thấy mình quá khó tính thì thử vào trang này ném đá hết mấy bài hát dịch của mình để cho mình bớt khó tính lại nhé.


Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...