Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013

Nước ngập trên 40cm - chợ Trà Ôn lại biến thành hồ bơi miễn phí


* Bài viết tổng hợp lưu hành nội bộ của Ban liên lạc Cựu học sinh Trà Ôn. Hình ảnh của Dương Chí Hà.

Theo thông tin của ông Dương Chí Hà, một người dân tại thị trấn Trà Ôn (Vĩnh Long) thì "con nước 16 âm lịch tại chợ Trà Ôn nước dâng cao hơn 10 cm" và mức nước ngày 20/10/2013 tại thị trấn Trà Ôn "tính từ mặt lộ dâng cao 40 cm". Cũng theo chú Dương Chí Hà, nguyên nhân ngập là do "triều cường và mưa to nhưng rút nhanh nên cũng chịu, ở vùng sông Hậu không cầm thủy". Còn một người dùng Facebook có tên Hương Trương thì cho biết "mai nước 17 âm lịch còn dữ nữa". Một người dùng Facebook khác tên Nino Lee hài hước bổ sung: 'Ngày trước thì dữ dội hơn... "ngập là ngập chỗ này chỗ kia tùm lum hết" còn bây giờ thì đỡ nhiều rồi: 'ngập hết".'

Trong khi đó, theo một bài báo trên mạng thông tin của huyện Trà Ôn, cũng do ảnh hưởng của bão, mưa lớn trên diện rộng kèm theo nước thượng nguồn sông Mekong đổ về nên cũng xảy ra tình trạng ngập lụt trên một số khu vực thuộc địa bàn huyện Trà Ôn, trong đó khu vực chợ Trà Ôn chiều ngày 28/09/2011 đã ngập sâu hơn 20cm nước. Toàn bộ khu nhà lồng chợ hoàn toàn bị nước xâm lấn, gây khó khăn cho việc mua lẫn buôn bán. Nước cống rảnh, nước từ rác sinh hoạt hòa lẫn với nước sông tạo nên một màu đen xám rất mất vệ sinh, trong khi đó các sạp rau cũ, quả mấp mé với mực nước. Bên đó những vườn cây ăn trái, nhà cửa của người dân vùng lân cận cũng chịu chung số phận ngập lụt. Những loài cây ăn quả có múi chịu nước kém như cam, bưởi, quýt có nguy cơ rơi vào tình trạng chết cây hàng loạt khiến người nông dân phải chịu cảnh mất mùa, thiệt hại về kinh tế lẫn đời sống tinh thần.

Trong khi đó giải pháp để khắc phục tình trạng nói trên vẫn còn bỏ ngỏ. Còn ở phía thượng nguồn sông Mekong, ngày càng nhiều những con đập đang được xây dựng...




Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2013

Chuyện giày gót nhọn


Bài này viết để tặng cô T.K. vì được cô nhờ đi coi về thì cho biết phim con gái cô đóng đạt bao nhiêu phần trăm. Nhận xét về mặt chuyên môn xin dành cho giới có hiểu biết sâu về nghề, ở đây chỉ là mấy cảm nhận mang tính cách cá nhân của một người xem phim độc lập.

Đầu tiên, phải nói là phim này có hiện tượng cháy vé, có thể do dàn diễn viên nữ có ngoại hình thu hút hoặc hệ thống phát hành phim làm việc tốt. Định vào trễ khoảng 20 phút (phim chiếu khoảng sau 10-15 phút từ khi cho khán giả vào rạp) mà mua vé không được đành phải ngồi đợi gần 60 phút cho suất chiếu cuối theo thông tin trên bảng thông báo điện tử. Vậy là tranh thủ rủ rê lần chót coi có ai đi coi chung không vì vào lúc đó vé suất cuối cũng gần hết (theo sơ đồ chỗ ngồi mà nhân viên bán vé cho coi), tiếc là không có thêm ai nhưng giả sử nếu có thêm người muốn coi chung mà khi tới nơi không mua được vé thì cũng phiền.

Theo đoạn phim giới thiệu thì chủ yếu chỉ thấy tạo hình của nhân vật và bối cảnh của nghề thời trang. Tuy nhiên trong phim thì thấy rõ hơn chất hài hước kiểu thường thấy trong các phim Hollywood ở hầu hết các phân đoạn. Khán giả dễ dàng tự khám phá ra những chi tiết gây cười thông qua tình huống bất ngờ nhẹ nhàng có sự kết nối của bối cảnh thay vì nhân vật phải chỉ dẫn trực tiếp hoặc gián tiếp bằng lời thoại dài dòng giống như thường thấy ở nhiều phim Việt Nam. Đó có thể là khác biệt trong tư duy giao thông của hai nền văn hóa, hay kiểu ngây thơ riêng biệt của mỗi nhân vật cho tới chi tiết hào quang sân khấu bất ngờ nhờ sự cố đồ chua và quyết tâm thực hiện kế hoạch.

Bộ phim cũng cẩn thận chiếu phụ đề song ngữ để khán giả tiện theo dõi và đó là một nỗ lực khá cần thiết với một bộ phim có bối cảnh mang tính quốc tế với sự tham gia của diễn viên phụ đúng chất Hollywood.
Chi tiết tưởng tượng quá nhiều của nhân vật nữ chính cũng có thể xem là một phương thức hữu hiệu bằng hình ảnh giúp người xem cảm nhận dần dần cá tính tạo nên lý do cho cốt truyện.

Ngạc nhiên nhất là sự liên hệ ở một chi tiết quê quán của nhân vật Hà My do Trúc Diễm đóng với tưởng tượng của nữ chính cùng với chi tiết cô gái gốc Việt ở đầu phim rất quan tâm đến giữ gìn tiếng mẹ đẻ trong gia đình tương lai ở xứ người. Một sự liên hệ rất nhẹ nhàng nhưng có hiệu quả cho thấy những khía cạnh đa dạng và toàn diện trong nội tâm nhân vật nữ chính. Nhiều khán giả có thể sẽ bất ngờ và cảm thấy thú vị nếu biết rằng thân mẫu của diễn viên Trúc Diễm vốn quê ở Cần Thơ và rất đam mê nghệ thuật sân khấu cải lương và đờn ca tài tử Nam Bộ. Có thể họ sẽ tự hỏi, liệu vai diễn đó và chi tiết đó có phải là một món quà đặc biệt mà nữ diễn viên dành tặng cho bà hay chỉ là sự gặp gỡ tình cờ giữa biên kịch và diễn viên trong quá trình hoàn thành đường dây kịch bản. Hay nó phản ánh xu hướng các đạo diễn cảm thấy cần thiết tích hợp những giá trị truyền thống trong một bộ phim giải trí để nó gần gũi hơn với lớp khán giả của lối sống ngày càng đô thị hóa.

Là chi tiết rất nhỏ của một vai phụ, nhưng hình ảnh một tài tử Việt kiều và một người mẫu sắc nước hương trời trình diễn minh họa một trích đoạn cải lương kinh điển trên nền giọng hát của hai nghệ sĩ Kim Tử Long (cũng cùng quê với thân mẫu Trúc Diễm) và Tài Linh chắc chắn làm những ai chưa quan tâm đến cổ nhạc cũng sẽ phải tìm hiểu cái điều kỳ lạ này tại sao lại xuất hiện trong một bộ phim có vẻ... trớt quớt so với nội dung. Như một lần GS. Trần Văn Khê đã từng gọi đây là phương pháp "dụng sắc quảng bá", tức là dùng cái đẹp bên ngoài để thu hút và làm người khác say mê cái đẹp bên trong của đờn ca tài tử, để bảo tồn một cách chủ động và làm cho nghệ thuật cổ truyền sống mãi. Có lẽ đạo diễn cũng khá tâm đắc phân đoạn mang tính cách tưởng tượng này nên đã ưu ái đính kèm ở cuối phim một đoạn hậu trường khá dài, tiếc là đa số khán giả đã rời khỏi rạp ngay trước khi phần giới thiệu đoàn làm phim (credits) bắt đầu chạy chữ lúc người viết nán lại chờ xem.


Mặc dù là một phim dán nhãn do Việt kiều làm, nhưng có thể tin rằng tinh thần sáng tạo dung hòa giữa cổ và kim, giữa trong nước và ngoài nước của tập thể làm phim sẽ được hoan nghênh và trở thành một làn gió mới cho phong cách làm phim thương mại nhưng bao hàm nhiều giá trị nhân văn.

* Lời hát theo điệu "Duyên thủy ngư" của Kim Tử Long và Tài Linh trong phiên bản Lữ Bố Điêu Thuyền của phim Âm Mưu Giày Gót Nhọn (do Trúc Diễm và Petey Majik diễn minh họa) là trích từ bản âm thanh gốc của tuồng "Liên hoàn kế" do Đài Truyền hình Cần Thơ và Hãng phim Tây Đô sản xuất năm 1995.

Toàn văn lời hát:

"Điêu Thuyền: Em nữ nhi khuê phòng bất xuất
Lữ Bố: Không hề chi
Điêu Thuyền: Em dám đâu vui đùa trăng gió
Lữ Bố: Ta nói không có hề chi
Nay hùng anh đắm say thuyền quyên
Chung hòa câu oanh yến hòa đôi
Tung trời ta lướt gió
Múa ca vui say mừng đón tình xuân..."

Thứ Ba, 15 tháng 10, 2013

Chuyện kênh truyền hình trực tiếp


Sau khi biết rõ tại sao VTV không hề truyền hình trực tiếp toàn bộ Quốc tang Đại tướng và luôn khẳng định làm đúng kịch bản như được chỉ đạo (không biết ai chỉ đạo mà lại xảy ra ít nhất một bê bối của phóng viên hiện trường trước con mắt của hàng ngàn người dân và hàng triệu công dân mạng được xem lại qua báo chí và mạng xã hội), trong khi VOV Giao thông, vốn là một kênh phát thanh có thêm dịch phụ phát hình, lại làm được truyền hình trực tiếp những khoảnh khắc cảm động nhất, có nguồn tin nói như sau:

"VTV không truyền trực tiếp quá trình đoàn xe tang di chuyển từ Nhà tang lễ Quốc gia tới sân bay quốc tế Nội Bài. Không riêng VTV, không đơn vị nào có thể thực hiện truyền hình ảnh trực tiếp từ xe màu (xe của đài truyền hình) trong sáng hôm qua. Nguyên do là bởi chiếc xe như hình. Đây là xe phá sóng chuyên dụng của quân đội có tác dụng phá tất cả các loại sóng vô tuyến, đề phòng khả năng sử dụng sóng vô tuyến (bao gồm cả sóng điện thoại) để kích hoạt bom từ xa. Đơn vị duy nhất thực hiện được việc truyền hình trực tiếp hôm qua là VOV. Bởi đơn vị này có thể lấy tín hiệu từ mạng lưới camera giám sát giao thông có sẵn trên các tuyến đường từ kênh VOV Giao thông do mình quản lý. Mạng lưới các camera này sử dụng mạng hữu tuyến để truyền tín hiệu về trung tâm nên không bị xe phá sóng tác động."

Tuy nhiên với tư cách một kênh truyền thông cấp quốc gia, VTV phải biết rõ điều này từ trước và có phương án dự phòng vì đã có truyền hình trực tiếp nhiều lễ quốc tang hoặc sự kiện có nhiều nguyên thủ quốc gia tham dự. Và cái mà người dân phiền muộn chính là thái độ không hề thực sự cho thấy có nỗ lực truyền hình trực tiếp trọn vẹn Quốc tang Đại tướng của VTV trong khi VOV giao thông và các kênh truyền thông cá nhân và tổ chức quần chúng lại làm được, với mặc định của hạ tầng mạng xã hội phát triển so với những thời điểm trước đây.

Do đó mình hạ quyết tâm sẽ phải xây dựng một kênh truyền hình trực tiếp và trực tuyến trong tương lai. Ít nhất cũng phải như Hội Cổ động viên Việt Nam (thực ra là Hội Hâm Mộ các em HAGL JMG) đã tường thuật trận U19 Việt Nam thắng U19 Australia làm bao người Việt Nam khóc vì hạnh phúc. Chuyện nhỏ nhưng nếu không có cái tâm thì dù tầm cao đến đâu cũng không làm được.

Chuyện cái màn hình thông báo


Ảnh minh họa: Facebook Mập Đẹp 

Hồi xưa lúc định làm cuộc thi về nhật ký qua mạng, có dự kiến sẽ mời nhà tài trợ lắp nguyên dàn màn hình tinh thể lỏng thông báo hoạt động trong toàn trường cho mọi người được biết. Nhưng tiếc là không làm được, nên không biết chừng nào sinh viên Văn Khoa mới có cảm giác tự hào được coi thông báo hiện đại bằng màn hình điện tử giống như Đại học Quốc tế.

Chuyện đi đám tang người nổi tiếng

Năm 2008, Quốc tang cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, hay còn gọi là bác Sáu Dân. Ông là người con của tỉnh Vĩnh Long, là một trong các lãnh đạo Việt Nam hiếm hoi có tìm hiểu và nỗ lực tìm cách giải quyết vấn đề hậu quả sau nước biển dâng do biến đổi khí hậu của vùng đồng bằng sông Cửu Long, thậm chí trước khi mất đột ngột đã sẵn sàng khăn gói sang tận nơi tìm hiểu học tập mô hình ứng phó nước biển dâng của Hà Lan vốn là một quốc gia có diện tích nhỏ hẹp hơn Việt Nam gấp nhiều lần và chịu sự tấn công mạnh mẽ của biến đổi khí hậu nhưng lại là một trong các nước phát triển cao ở châu Âu. Năm đó, hình như đang ở đâu đó, cũng lên kế hoạch đi viếng ở Dinh Độc lập, nhưng không có điều kiện, và đùng một cái, có người rủ đi... canh đám tang của phụ huynh cô Trưởng khoa với mấy người đồng môn và tiền bối (cuối cùng thật ra chỉ là tới hầu chuyện đến khuya cùng mấy đồng môn và tiền bối khác). Rốt cục, chỉ có ở nhà nghiên cứu mức độ cập nhật của báo chí mạng thế giới và phản ứng của các nước theo dòng thời gian về quốc tang năm đó cung cấp trên mạng cá nhân mà hông biết có bao nhiêu người vô đọc, trước khi Yahoo! 360 sụp đổ hoàn toàn.

Đầu năm 2013, đám tang nhạc sĩ Phạm Duy, người được tạm coi là người mở đầu cho phong trào làm mới dân ca Việt Nam thông qua tân nhạc đang rất thịnh hành. Được xem là một người bạn thân suốt nửa thế kỷ của Văn Cao dù đi theo hai con đường khác biệt, ông cũng là người đi tiên phong dịch bài hát, đặc biệt là thể loại cổ ca và dân ca các nước sang tiếng Việt và ngược lại. Có thể nói, bên cạnh kho tác phẩm âm nhạc đồ sộ gần như nhiều nhất Việt Nam hiện chưa ai vượt qua, riêng về mảng này, cũng chưa ai vượt qua được Phạm Duy bởi vì... có ai khác làm vậy đâu. May mắn được tham gia phỏng vấn Phạm Duy đúng một năm trước ngày ông mất, dù được tin ngay trong đêm 27/01/2013 và cũng định tham gia đi viếng nhưng ngại vì không phải người quen của gia đình nhạc sĩ, lại không có thông tin chính xác về việc có thể đến viếng hay không nên cuối cùng không nhớ đã làm những gì trước Tết mặc dù có lẽ đã có những việc ngoài kế hoạch xảy ra liên tục.


Cuối năm 2013, Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bị chấn thương lãng xẹt trước khi thi đấu một giải đấu cấp... không phải là tổ dân phố, cũng hông phải là phường, càng hông phải là quận mà cũng hông phải thành phố dù nó cũng có hai chữ thành phố trong đó. Vậy mà cũng lết đi quay được gần hai chục giờ phim tư liệu ký ức xã hội để dành. Thời gian còn lại... nằm nhà dưỡng thương. Tới ngày Quốc tang thì lại đang... quay phim đám cưới gia đình, sau một đêm không ngủ soạn cho xong bài hát tưởng nhớ Đại tướng. Sang ngày truy điệu thì... đi trại tập huấn nhiếp ảnh và đi hầu chuyện các tiền bối do đã hứa và phải giữ lời. Xong việc, chạy về nhà định tranh thủ tắm để thay bộ đồ không thể dơ hơn sau mấy ngày gió bụi để đi viếng Không gian Tưởng niệm, không ngờ có lẽ do đã di chuyển liên tục ba ngày, tập trung vận động tâm trí soạn xong lời bài hát và bản dịch tưởng nhớ Đại tướng, cảm xúc lẫn lộn giữa đám cưới và quốc tang, hỉ sự và bi sự, ảnh hưởng của đau mắt bất ngờ và hoạt động thần kinh não bộ quá tải, nhận thêm một cú điện thoại nữa, phát hiện ra... không biết mình đã nghe gì và nói gì, sau đó thì... cảm thấy mệt, nằm xuống và bất tỉnh nhân sự không còn biết trời đất gì nữa thay vì ra chỗ hẹn. Vậy là bể kế hoạch đi viếng Không gian Tưởng niệm vừa kết thúc tối khuya hôm trước. Xui xẻo cho thế giới là hơn 12 giờ sau thì tỉnh lại trong trạng thái... mắt không thấy gì vì hình như đã bị lây nhiễm đau mắt từ ai không biết.

Và hôm nay, đi viếng đám tang thân phụ của nghệ sĩ Thanh Bạch, một người cũng được xem là "Trưởng khoa Múa rối và Tạp kỹ" đầu tiên của Việt Nam, mặc dù ai cũng biết là cho tới hiện tại chẳng có cái trường nào hay bộ môn nào dạy mấy thứ đó một cách chính quy ở xứ này hết.

Có lẽ mình chỉ có duyên đi được đám tang thường dân thôi. Cho nên mấy bạn nào chuẩn bị lên làm lãnh đạo hay nhà văn hóa lớn chắc mai mốt khỏi cần dặn con cháu mời mình tới dự. Hông cần nói chắc cũng tự hiểu được. Mà khổ cái là một số bạn mình mới quen một thời gian thì lại lên làm lãnh đạo, còn một số thầy cô hoặc tiền bối cách đây mới cách không lâu cũng thành lãnh đạo hết trơn. Mà mình thì chỉ thích làm thường dân thôi nên suy nghĩ cũng khá là tầm thường, đặc biệt là cho tới gần đây mới biết bà con họ hàng mấy chục năm mới gặp toàn làm lãnh đạo cao cấp.
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...