Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2013

Lao công


Chị lao công đêm đông quét rác
Cũng không khác bác kỹ sư sức khỏe
Điều duy nhất lạ đời có lẽ
Là chuyện mà ai cũng phải tự nghĩ ra.




Thứ Năm, 26 tháng 12, 2013

Áo

Áo rách là áo thiệt.
Áo vá là áo nghĩa.
Áo lành là áo hiệu.
Áo nào cũng là áo.

(nhân dịp rách áo)

Thứ Năm, 12 tháng 12, 2013

Lịch trình chuyến công tác tại Hà Nội từ 13-14/12/2013


Lịch trình này được thông báo cho nhóm cộng sự và đồng nghiệp nên ngôn ngữ không phù hợp cho độc giả đại chúng.

Xuất phát từ 06 giờ sáng ngày 13/12/2013 Tp.HCM, Tí Thông Minh (nhưng không biết gì) sẽ đến Hà Nội lúc 08 giờ 05 phút trên chuyến bay BL790 và nếu không có người thủ đô nào nhiệt tình tới đón thì sẽ thử đi chuyến xe bus 2500đ/vé để vào nội đô.

Từ sau 09 giờ đến 13 giờ là thời gian rất rảnh rỗi, nên có thể sẽ sinh nông nỗi đi lòng vòng phố cổ để tưởng nhớ về cái lạnh năm xưa.

Từ 13 giờ trở đi đến 18 giờ là thời gian tham gia sự kiện vui nhộn có tên gọi "Hội nghị Quốc tế về Dịch thuật và Ngôn ngữ" tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (số 11 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội).

Xem chi tiết về sự kiện này tại Bản tin Dịch giả trẻtrang mạng chính thức của sự kiện.

Từ 18 giờ trở đi sẽ dành cho bình dân hội nghị, tụ họp cùng các anh thư hào kiệt đất Thăng Long ngàn năm văn hiến, thủ đô hòa bình của thế giới. Địa điểm và chương trình chi tiết sẽ do đại diện ban tổ chức địa phương công bố sau. Nội dung là giao lưu ôn lại kỷ niệm thời vàng son của các ông bố và bà mẹ trẻ và giới thiệu về mô hình Cộng đồng Dịch giả trẻ, hướng tới khuyến khích sự hình thành Cộng đồng Dịch giả trẻ tại Hà Nội và các đô thị lớn ở miền Bắc Việt Nam. Ngoài ra, sẽ có giao lưu văn nghệ cây nhà lá vườn (ca múa tạp kỹ) cho dù có ai tình nguyện đệm nhạc hay không và khuyến khích mỗi người tham gia ủng hộ một bài góp vui.

Dự kiến sẽ bán đấu giá ủng hộ Quỹ Văn hóa Giáo dục Hãn Nguyên Nguyễn Nhã hoặc tặng một bộ sách nghiên cứu thuộc Tủ sách Bếp Việt cho ban tổ chức địa phương hoặc một công ty nào có thể tài trợ dịch thuật và xuất bản bộ sách ẩm thực sang tiếng Anh và các thứ tiếng. Các đầu sách bếp Việt gồm 3 quyển: Bản sắc ẩm thực Việt Nam; Độc đáo ẩm thực Thăng Long – Hà Nội; Độc đáo ẩm thực Huế.

Xem chi tiết thông tin về các đầu sách này tại trang mạng Cổng thông tin Ẩm thực Việt Nam hoặc mua bản điện tử tại nhà sách điện tử của công ty Lạc Việt.

Ngoài ra còn một bản sách đã hết hàng "Những bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa" (Nhà xuất bản Giáo dục lần đầu tiên ấn hành) sẽ dành tặng cho người nào có duyên.

Xem chi tiết thông tin về đầu sách này tại trang mạng Nhà Xuất bản Giáo dục.

Từ 06 giờ sáng ngày 14/12/2013 là dành cho người thủ đô tận dụng các khả năng tiềm ẩn vô hạn của tui. Ai muốn tui đi đâu, làm gì, ăn gì... là tui theo hết. Đây là chương trình "Đi bộ ở Hà Nội trong một ngày" thay thế cho cuộc đi bộ đường dài bảy ngày từ Hà Nội về Tp.HCM do xét về tính khả thi và để giữ lời hứa với một số đồng bào ở miền nam thân yêu.

Thời điểm và hình thức về lại Tp.HCM sẽ được thông báo sau. Dự kiến sẽ là dịch vụ xe khách hoặc tàu lửa và trước ngày 18/12/2013.

Chân thành cảm ơn sự giúp đỡ và những lời gợi ý hết sức nhiệt tình của: chị Yen Andy (đại diện ban tổ chức địa phương), chị Kim Ngân, anh Thương Biển Đông, du học sinh Quach Huu Hieu, người mẫu Blues Rain, và rất nhiều người đã được làm phiền trong thời gian vừa qua.

Mọi thông tin liên lạc trong những khung giờ rảnh rỗi ở trên vui lòng gọi theo số 0902 848 163. Mặc dù không hứa trước là rành đường thủ đô những sẽ hướng dẫn lộ trình nhiệt tình cho những ai muốn hỏi.

Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013

Hai phiên bản cách nhau 10 năm của "Giọng hò phương Nam"

Phiên bản VCD năm 2003


Phiên bản trực tiếp ngày 18/11/2013
(Hò ơ...
Đất miền Nam thênh thang sông nước
Vung mái chèo ta ngược về đây
Đồng hoang gió lộng nơi này bàn tay dầu dãi ơ hò...
Hò ơ...
Bàn tay dầu dãi nên ngày phồn vinh)* (phiên bản trực tiếp không ngâm thơ)

Thương lắm con đò. Thương quá câu hò
Gió về Tiền Giang, ai hát vui ngày thái bình
Sóng cồn Hậu Giang nuôi đất nuôi đời ái tình.

Từ Đồng Nai gió qua Bến Thành
Đồng chua nay hóa đất tươi mỡ màu.
Thành Gia Định xưa, nay phố thị phồn vinh
Biết bao bàn tay vun đắp ruộng đồng
Chốn xưa còn vang khúc hát phương Nam hành

Vui chí tang bồng
Con sáo băng đồng

Xuống vùng Cần Thơ ghé bến Ninh Kiều mơ màng
Tới rừng Cà Mau đất U Minh ngàn năm dãi dầu.
Về Gò Công, Mỹ Tho xuôi dòng

Trà Vinh xuống Sóc Trăng nước dâng trên đồng.
Lời thơ Lục Vân Tiên nhớ Đồ Chiểu xưa.
Thất Sơn cùng Ba Thê đứng giữa trời soi bóng dòng Vĩnh Tế
Nhớ bao sức người.

Từ miền xa ta tới đây
Ba trăm năm nắng mưa không ngại* (phiên bản trực tiếp: Anh em ta sống chung chan hòa)
Đôi chân ta bước qua tháng năm dài* (phiên bản trực tiếp: Kinh, Chăm, Hoa với Khmer một nhà)
Từng bàn tay ta đắp xây
Thiên nhiên dang cánh tay nơi này
Đưa nhau ta tới đây sum vầy.

Từ đồng hoang nên áo cơm
Em theo anh tới đây xây đời
Ta bên nhau khó khăn cũng không rời
Rồi ngày nay, thêm đắm say
Quê hương qua gió giông thăng trầm
Tương lai đang chứa chan xanh mầm.

Nay tới Sài Gòn, sông phố vuông tròn
Vũng Tàu Hà Tiên biển xanh mời chân lữ hành
Mỹ Thuận cầu giăng, cáp nghiêng mình trên đất lành
Vượt trùng dương ghé qua Côn Đảo
Mầm xanh sức sống nay xóa đi gông xiềng
Về thăm Phú Quốc no ấm đời bình yên
Cát Tiên rừng xanh như chốn Tiên Bồng
Cây trái miền Nam nghe lúa reo trên đồng

Thương lắm con đò. Thương quá câu hò
Nước dòng Cửu Long thơm ngát vui ngày thái bình
Sữa mẹ phù sa nuôi đất nuôi đời ái tình.

Người về đây sáng trưa giang hà
Đàn con trung dũng chân đất đứng giữa trời
Hò xự xang xê cống câu hát vọng cổ xưa
Tới đây cùng dọc ngang với bao người
Cho thỏa lòng tung chí gái trai một đời.

---

Khả năng thứ nhất là chị Trung Hậu sửa lời cho phù hợp.

Khả năng thứ hai là tác giả đổi ý muốn sửa lại.

Khả năng thứ ba là có hai phương án ngay từ đầu.

Khả năng thứ tư là... ai biết thì giải thích dùm.

Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

Doraemon

Tình cờ đọc một bài báo về họa sĩ Fujiko, nhớ khi xưa có một thằng học sinh tiểu học vừa cầm quyển truyện Doraemon cười như điên như dại một mình... trong giờ ra chơi bị giáo viên bắt gặp. Thật ra có cười đâu, là khóc đó.

Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

Tình hình các thiết chế văn hóa của Tp.HCM

Theo báo Pháp luật Tp.HCM, dẫn nguồn từ Sở Văn hóa Thể theo và Du lịch Tp.HCM (Sở VH-TT&DL TP) trước ngày 17/08/2012 Tp.HCM có tất cả bốn loại thiết chế văn hóa cấp thành phố: trung tâm văn hóa, nhà văn hóa; nhà hát, rạp hát; bảo tàng và thư viện.

"Ngoại trừ Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, hầu hết thiết chế văn hóa cấp TP trên địa bàn TP.HCM đều sử dụng cơ sở vật chất cũ được xây dựng từ trước năm 1975. Với tám đơn vị biểu diễn nghệ thuật, hiện chỉ có Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang và Nhà hát Kịch TP.HCM có nơi biểu diễn, còn lại các đoàn khác đều không có nơi biểu diễn ổn định. Trong bảy bảo tàng của TP.HCM, chỉ có hai bảo tàng có công năng công trình chuyên ngành, còn các bảo tàng khác đều cải tạo từ cơ sở vật chất có sẵn."

Ngoài ra, Sở VH-TT&DL TP.HCM đề xuất chọn Công viên Tao Đàn (quận 1) làm Trung tâm Văn hóa TP.HCM để làm nơi tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật cho người dân TP.HCM tại buổi khảo sát về thiết chế văn hóa TP của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM chiều 16/08/2012; bên cạnh đề xuất HĐND TP.HCM xem xét cấp vốn xây dựng một số nhà hát, bảo tàng mà Sở đã đề xuất nhiều năm qua; UBND TP.HCM và UBND quận 1 sớm hoán chuyển nhà 69A Lý Tự Trọng (quận 1) giao cho Thư viện Khoa học tổng hợp để làm thư viện thiếu nhi…

Nhà hát nghệ thuật Phương Nam (Trụ sở hoạt động và làm việc của nhà hát tại: Rạp Nhân Dân, số 372 - 374 đường Trần Phú, P.7, Q.5) là thiết chế văn hóa mới nhất được thành lập theo quyết định của Ủy ban Nhân dân Tp.HCM vào ngày 21/10/2013, trên cơ sở hợp nhất Đoàn xiếc thành phố (được thành lập từ năm 1986) và Đoàn Nghệ thuật múa rối thành phố (được thành lập từ năm 1977) và tiếp tục kế thừa các nhiệm vụ của hai đơn vị tiền thân. Cụ thể là tổ chức các chương trình biểu diễn xiếc, múa rối, nghệ thuật tổng hợp; bảo tồn và phát triển nghệ thuật xiếc và nghệ thuật múa rối; đồng thời kết hợp xiếc, múa rối với các loại hình nghệ thuật khác như ca, múa, nhạc, kịch, điện ảnh để xây dựng các chương trình nghệ thuật phong phú, đa dạng. Ngoài ra, nhà hát còn tổ chức trao đổi học tập kinh nghiệm với các đơn vị nghệ thuật, các tổ chức văn hóa, các nhà hát trong nước và nước ngoài; biểu diễn phục vụ văn hóa đối ngoại, giao lưu văn hóa.

Trong quá khứ, Đoàn xiếc thành phố từng nhiều lần phải di dời trụ sở. Trong khi đó, Đoàn Nghệ thuật múa rối từng lâm vào cảnh không rạp không nhà, trong đó lần mới nhất là kể từ tháng 04/2010 khi rạp Măng non giải tán vì khu Eden (trên đường Đồng Khởi, quận 1) bị giải tỏa và kể từ thời điểm đó đoàn chỉ có một văn phòng tạm tại Trung tâm Văn hóa quận 11 (thuê trong hai năm), điểm biểu diễn tạm tại Trung tâm Văn hóa quận 1 ở sân nhà thi đấu Nguyễn Du (thuê trong một năm). Tình trạng đó đựoc nhận định là làm cho nghệ thuật múa rối khó có đựoc thế hệ kế thừa cũng như ảnh hưởng đến sức sáng tạo, linh động trong tổ chức biểu diễn. Trong khi đó, đã có nhiều hội thảo, cơ quan chức năng đã lên tiếng về việc du khách đến Tp.HCM không có chỗ giải trí, thưởng thức nghệ thuật dân tộc.

*Ảnh minh họa: Liên hoan Múa rối lần VII và Trò chơi dân gian lần III khu vực phía Nam năm 2013.

Phát hiện mới với Facebook và Linkedin

(chú ý đây chỉ là quan sát và góc nhìn cá nhân không đại diện cho bất kỳ ai)

- Lý do cần phải loại bớt những người không quen biết khỏi danh mục bạn bè trên Facebook là bởi vì... khi bị trục trặc hệ thống bắt nhận diện bạn bè mà không biết ai với ai là coi như chuẩn bị lập tài khoản mới.

- Trên Linkedin có nhiều bạn rất hào phóng và nhiệt tình xác nhận kĩ năng dùm, mặc dù rất cảm ơn nhưng mà cũng phải nói lại là... nhiều người hông có quen, mà hông có quen làm sao biết mà xác nhận?

Ghi lại cho chắc ăn

Do hay quên nên phải ghi lại để nhớ, mà cách hay nhất là cho mọi người biết hết đảm bảo không quên được:

- Bác sĩ đã từ chối điều trị ung thư giai đoạn cuối cho bạn... máy tính xách tay đồ cổ vì... không có phụ kiện để thay.

- Có một điểm truy cập mạng sử dụng tuyệt chiêu... thu phí trước, hết giờ tự động tắt, xài không hết thì trả lại phần còn dư.

- Nhiều quán dịch vụ ăn uống sập tiệm vì chuyện khách dùng xong không chi trả mà chỉ... ghi sổ.

- Thu phí trước hay thu phí sau, đó là cả một nghệ thuật mà người thu phí là một... doanh nhân.

Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2013

Lựa chọn - Nguyễn Hữu Thái


“Người hạnh phúc nhất trên đời không phải là nhà vô địch hoặc triệu phú mà là người biết thưởng thức được các sắc màu của cuộc sống!”

Không biết con trai tôi Thái Hòa lấy ở đâu ra ý tưởng đó khi ghi nó vào lời giới thiệu cuốn băng hình ghi lại các hoạt động văn nghệ của mình mang tên “Sắc màu Cuộc sống”. Tôi nghĩ mình cũng là người hạnh phúc, hãnh diện là đã kinh qua hầu hết các nẻo đường và vinh nhục của cuộc sống. Danh vọng, tiền bạc thì không có gì nhưng có được niềm vui đóng góp phần mình vì mọi người, vì đất nước.

Thế hệ chúng tôi lớn lên trong thời loạn lạc, thường xuyên đối mặt với những thách thức, luôn phải lựa chọn giữa cái đúng cái sai để mà sống cho hợp với đạo lý ở đời. Trong cuộc sống, tôi nghĩ rằng mình đã nếm đủ mùi vị đắng cay lẫn vinh quang suốt nửa thế kỷ qua. Câu chuyện tôi vừa kể cho các bạn nói lên điều đó. Không biết anh em bạn bè khen ngợi hoặc là mỉa mai khi cho rằng tôi vẫn mãi là “con người luôn mang nỗi lo đau đáu của một con dân đất Việt, nặng nợ với các vấn đề của đất nước…”. Mong rằng đó không phải là một lời chê bai sau tất cả những gì đã xảy ra với bản thân tôi. Vì rõ ràng là cho đến ngày hôm nay, tôi vẫn mong muốn làm được gì thật nhiều cho lớp trẻ, cho đất nước mình.

Rải rác trong các bài viết, bài nói tôi thường đưa ra những ý tưởng, quan niệm và nhận xét về các khía cạnh của cuộc sống, gom lại một số thuộc về nhân sinh quan của mình:

-Đời sống tự bản thân nó không có ý nghĩa, trừ ý nghĩa truyền chủng, nhưng mình phải cho nó một ý nghĩa. Loài người từ thời ăn lông ở lỗ đến nay đã làm được nhiều việc và tiến lên về các mặt. Chúng ta đã thừa hưởng công lao, di sản của bao thế hệ đi trước, thì phải duy trì di sản đó và cải thiện nó tùy theo khả năng mỗi người.

-Quan niệm thiện ác, tốt xấu thay đổi tùy thời, tùy nơi. Cái nào ích lợi cho một xã hội vào một thời điểm nào đó thì được xã hội đó cho là tốt; cũng cái đó qua thời điểm khác không còn ích lợi nữa, mà hoá ra có hại thì bị cho là xấu. Ví dụ như quan niệm trọng gia tộc, trung với vua có lợi cho trật tự xã hội thời nông nghiệp phong kiến, bước về thời đại dân chủ công nghiệp, không còn lợi cho xã hội nữa, nên mất giá trị. Vào thời sản xuất được ít, tiết kiệm được đề cao, ngày nay ở Âu Mỹ sản xuất hàng tiêu dùng thừa thãi, tiêu thụ nhiều được xem như một bổn phận đối với xã hội. Tuy nhiên vẫn có một số giá trị vĩnh cửu, dân tộc văn minh nào cũng đều coi trọng, như lòng nhân, đức khoan dung, sự công bằng, tự do, tự chủ...

-Xã hội bao giờ cũng có kẻ tốt người xấu, và việc đời khi giải quyết xong việc này thì lại nảy sinh việc khác, họa phúc lẫn lộn khó lường. Mình cứ làm hết sức mình thôi, còn thì để lại cho các thế hệ sau.

-Chúng ta làm điều phải vì tin nó là điều phải, chứ không phải do ý muốn của Thượng đế hay một thần linh nào, cũng không phải vì mong khi chết thì được nhập Niết bàn hay lên Thiên đàng.

-Đạo nào cũng phải hợp tình, hợp lý, gần gũi với con người thì mới gọi là đạo được. Tôi không tin rằng hết thảy loài người chỉ thấy đời toàn là khổ thôi hoặc phải là tín đồ của một tôn giáo nào đó thì mới được lên thiên đàng.

-Đạo Khổng có vẻ thực tế, hợp tình hợp lý và đầy đủ nhất, xét cả về các mặt “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Lý tưởng đó, cho đến nay loài người vẫn chưa thực hiện nổi. Về tu thân, ba đức “nhân, trí, dũng” luyện được đủ tình cảm, trí tuệ và nghị lực của con người. Thế kỷ mới sẽ là thế kỷ giao lưu văn hóa Đông-Tây. Trong thế kỷ văn hóa đa cực ấy, cần lấy tư tưởng “hòa nhi bất đồng” (hòa hợp mà không đồng nhất), “tứ hải giai huynh đệ” (bốn biển đều là anh em) của Khổng Tử làm cơ sở để thúc đẩy cùng tồn tại hòa bình, cùng hưởng phồn vinh, thay thế cho kỳ thị, hận thù, chiến tranh, đổ máu.

-Thời còn trẻ, tôi quan niệm hạnh phúc thật đơn giản là được thỏa chí tung hoành, làm một việc to tát mình thích, lưu danh lại đời sau. Đến tuổi chín chắn rồi, nhận chân ra hạnh phúc trong cuộc đời không cần phải cao xa như thế, mà nên vừa lòng với một công việc khiêm tốn mà có ích cho xã hội và mong sinh sống được trong một xã hội lành mạnh, ổn định và tương đối thịnh vượng.

-Nếu mỗi người phải đóng một vai trò trong xã hội thì tôi chọn vai trò một nhà giáo, kết hợp với nghiên cứu, viết lách. Sống giữa sách vở hay, tiếp nhận nguồn thông tin dồi dào và có thể đi lại tham quan nghiên cứu đó đây, rồi truyền đạt lại những điều hiểu biết, các kinh nghiệm hữu ích cho mọi người, tạo được lòng quý mến, tin cậy của bạn bè, nhất là của giới trẻ, tôi cho là sung sướng nhất.

-Rất ít khi con người rút được kinh nghiệm của người đi trước. Ai cũng phải tự rút kinh nghiệm của mình rồi mới khôn ra, vì vậy mà thường vấp ngã. Nhưng phải như vậy thì loài người mới tiến lên được.

-Không nên cho trẻ sung sướng quá. Phải tập cho chúng sống có quy củ, kỷ luật, biết tự chủ và hiểu rằng ở đời có những việc mình không thích làm nhưng vẫn phải làm, và làm thì phải làm ngay, hoàn thành cho tốt.

-Nên trọng dư luận nhưng không nên bao giờ cũng nhắm mắt theo dư luận. Biết đắc nhân tâm nhưng cũng có lúc tỏ nỗi bất bình của mình để đứng về phia lẽ phải, cái thiện chống lại cái ác mà không sợ thất nhân tâm.

-Khi nghèo thì phải tận lực phấn đấu với cảnh nghèo, lắm khi làm ta vất vả, lòng khó khoáng đạt, cho nên cần phải làm sao cho đủ ăn thì ta mới giữ được tư cách độc lập của mình. Nhưng khi đã đủ ăn rồi thì đừng nên chỉ chú tâm lo làm giàu, mà phải để thì giờ làm những việc hữu ích mà không vì danh vì lợi. Giá trị của ta ở chỗ làm được nhiều việc như vậy hay không.

-Trong cuộc đời, chỉ nên hưởng cái phần xứng đáng với tài năng của mình thôi. Nếu tài đức tầm thường mà được phú quý, hoặc được nhiều người trọng vọng, thì thế nào cũng sẽ mang họa vào thân.

-Hôn nhân bao giờ cũng là một sự may rủi. Dù sáng suốt và chịu tốn công thì cũng không chắc gì kiếm được người hoàn toàn hợp ý mình. Phải sống chung năm ba năm mới biết rõ được tính tình của nhau. Tốt nhất là vợ chồng cùng có chung lý tưởng và mục tiêu trong cuộc sống. Tuy vậy ta cũng nên quan niệm mọi sự trên cõi đời này đều không có gì là tuyệt đối, hạnh phúc trong hôn nhân cũng vậy thôi.

-Phương Đông có câu: “Thống tất minh” (Đau khổ tất phải kêu lên). Phải chăng những nhà văn, thi sĩ xuất chúng của bao thời đại đã xuất hiện trong các hoàn cảnh đó?

-Sống và chết chỉ là những vấn đề tương đối, nhất là trong chiến tranh. Ta nên can đảm đối mặt chúng và phải biết chọn cái chết vì các lý tưởng ta đeo đuổi và xứng đáng với tổ quốc mình.

Ở đây, tôi cũng có một đôi điều muốn tâm tình với các bạn trẻ. Các bạn sinh ra và lớn lên trong giai đoạn đất nước có hòa bình và độc lập nhưng phải phấn đấu nhiều thì mới đưa được chính bản thân và đất nước mình thoát khỏi cái vòng lẩn quẩn đói nghèo lạc hậu và hội nhập bằng vai vế với người. Các bạn sẽ gặp không ít thách thức, trở lực và cũng phải đối mặt với các sự lựa chọn gay go. Cho nên các bạn phải biết tự rèn luyện cho mhình đủ bản lãnh để có thể vượt qua.

Mỗi thế hệ chúng ta đều phải đối mặt với những vấn đề của thời đại mình và có cách ứng xử cùng lời giải đáp phù hợp. Cho nên trái với những nhận xét bi quan cho rằng lớp trẻ các bạn ngày nay thực dụng, ít lý tưởng, không sâu sắc, bản thân tôi vẫn lạc quan cho rằng các bạn nhạy bén, năng động và dễ dàng hội nhập vào thế giới hơn thế hệ chúng tôi. Mặt khác, tôi vẫn tin tưởng các bạn có đầy đủ nội lực và khả năng đối đầu với các vấn đề mới của thời đại.

Tôi đã có nhiều dịp chứng kiến sức bật đó của tuổi trẻ người Việt mình ở trong lẫn ngoài nước. Cụ thể như ở phương Tây là sự trưởng thành của chính con cháu tôi và bạn bè cùng lứa của chúng trong môi trường cạnh tranh tư bản gay go. Hoặc ở trong nước là sự trưởng thành của nhiều bạn trẻ tôi đã gặp suốt mười năm qua vào giai đoạn đất nước chuyển đổi sang kinh tế thị trường và hội nhập với thế giới. Không thân thế, quan hệ, tiền bạc và phải dấn thân vào một môi trường xa lạ, vậy mà những người trẻ đó vẫn vươn lên và vượt được người chỉ trong một thời gian ngắn. So với nước người, phải chăng cả đất nước Việt mình và bản thân mỗi con người chúng ta đều “có đặc điểm ưu việt của con nhà nghèo nhưng có ý chí tiến thủ và hoài bão lớn”, như nhận xét của một người bạn nước ngoài khi nói về thanh niên Việt Nam.

Điều mong ước của tôi là các bạn, trên con đường tiến lên phía trước đó, phải trang bị cho mình một tâm thức luôn rộng mở, sẵn sàng học hỏi và cả nhận trách nhiệm. Mong rằng khi phải lăn lộn trên đường đời, tuổi trẻ ta đừng sớm rơi vào tâm lý lạnh lùng thực dụng của giới trẻ xã hội công nghiệp phương Tây; đừng quên rằng hạnh phúc con người thực ra chính là sự cảm nhận nội tâm về các giá trị cao đẹp của nhân văn và nghệ thuật.

Cuối cùng, các bạn nhất định không nên mang mặc cảm bi quan “sinh lầm thế kỷ” như nhiều người trong thế hệ chúng tôi, mà phải ý thức được rằng chính chúng ta may mắn sinh ra tại một đất nước hào hùng và nằm tại ngã ba đường quốc tế, nơi hội tụ của các luồng văn hóa Đông Tây.

Chắc các bạn chưa ý thức hết sự kiện Việt Nam đã từng là đối tượng thán phục của nhân dân toàn thế giới. Họ không thể nào tưởng tượng nổi một đất nước vốn yếu kém và nhỏ bé như Việt Nam mình lại có khả năng đánh bại các cường quốc hàng đầu thế giới. Và nay thì Việt Nam quyết tâm xây dựng trong hòa bình nhắm vươn lên thành một nước tiên tiến trong thế hợp tác toàn cầu.

Đó là một đất nước Việt Nam mới mà các bạn cùng tôi đang bắt tay xây dựng.

(Trích chương cuối "Hành trình của một sinh viên Sài Gòn từ chiến tranh đến hòa bình")

Thứ Tư, 13 tháng 11, 2013

Sống và chết - Nguyễn An Ninh

Sống mà vô dụng, sống làm chi
Sống chẳng lương tâm, sống ích gì?
Sống trái đạo người, người thêm tủi
Sống quên ơn nước, nước càng khi.
Sống tai như điếc, lòng đâm thẹn
Sống mắt dường đui, dạ thấy kỳ
Sống sao nên phài, cho nên sống
Sống để muôn đời, sử tạc ghi.

Chết sao danh tiếng vẫn còn hoài
Chết đáng là người đủ mắt tai
Chết được dựng hình tên chẳng mục
Chết đưa vào sử chứ không phai
Chết đó, rõ ràng danh sống mãi
Chết đây, chỉ chết cái hình hài
Chết vì Tổ quốc, đời khen ngợi
Chết cho hậu thế, đẹp tương lai.

(Nguyễn An Ninh - Dấu ấn để lại, NXB Văn Học, 1997, tr.325)

Lý thuyết năm người thầy của Lê Thẩm Dương

Theo TS. Lê Thẩm Dương thì đời người có tất cả 5 ông thầy: ông thầy trên bục (trường học), ông thầy là chính mình (tự học), ông thầy thần tượng (về mặt ý chí không phải giải trí), ông thầy ở các cuộc thi và hội thảo (bạn bè), ông thầy internet "mà sư tổ là Google".

Trong số những người thầy này, ông thầy trên bục được nhìn nhận chỉ là một phần của nền giáo dục. Trong khi đó ở thời điểm hiện tại của năm 2013, tư duy xem trường học là người thầy duy nhất đúng vẫn còn phổ biến tại Việt Nam.





Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013

Nước ngập trên 40cm - chợ Trà Ôn lại biến thành hồ bơi miễn phí


* Bài viết tổng hợp lưu hành nội bộ của Ban liên lạc Cựu học sinh Trà Ôn. Hình ảnh của Dương Chí Hà.

Theo thông tin của ông Dương Chí Hà, một người dân tại thị trấn Trà Ôn (Vĩnh Long) thì "con nước 16 âm lịch tại chợ Trà Ôn nước dâng cao hơn 10 cm" và mức nước ngày 20/10/2013 tại thị trấn Trà Ôn "tính từ mặt lộ dâng cao 40 cm". Cũng theo chú Dương Chí Hà, nguyên nhân ngập là do "triều cường và mưa to nhưng rút nhanh nên cũng chịu, ở vùng sông Hậu không cầm thủy". Còn một người dùng Facebook có tên Hương Trương thì cho biết "mai nước 17 âm lịch còn dữ nữa". Một người dùng Facebook khác tên Nino Lee hài hước bổ sung: 'Ngày trước thì dữ dội hơn... "ngập là ngập chỗ này chỗ kia tùm lum hết" còn bây giờ thì đỡ nhiều rồi: 'ngập hết".'

Trong khi đó, theo một bài báo trên mạng thông tin của huyện Trà Ôn, cũng do ảnh hưởng của bão, mưa lớn trên diện rộng kèm theo nước thượng nguồn sông Mekong đổ về nên cũng xảy ra tình trạng ngập lụt trên một số khu vực thuộc địa bàn huyện Trà Ôn, trong đó khu vực chợ Trà Ôn chiều ngày 28/09/2011 đã ngập sâu hơn 20cm nước. Toàn bộ khu nhà lồng chợ hoàn toàn bị nước xâm lấn, gây khó khăn cho việc mua lẫn buôn bán. Nước cống rảnh, nước từ rác sinh hoạt hòa lẫn với nước sông tạo nên một màu đen xám rất mất vệ sinh, trong khi đó các sạp rau cũ, quả mấp mé với mực nước. Bên đó những vườn cây ăn trái, nhà cửa của người dân vùng lân cận cũng chịu chung số phận ngập lụt. Những loài cây ăn quả có múi chịu nước kém như cam, bưởi, quýt có nguy cơ rơi vào tình trạng chết cây hàng loạt khiến người nông dân phải chịu cảnh mất mùa, thiệt hại về kinh tế lẫn đời sống tinh thần.

Trong khi đó giải pháp để khắc phục tình trạng nói trên vẫn còn bỏ ngỏ. Còn ở phía thượng nguồn sông Mekong, ngày càng nhiều những con đập đang được xây dựng...




Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2013

Chuyện giày gót nhọn


Bài này viết để tặng cô T.K. vì được cô nhờ đi coi về thì cho biết phim con gái cô đóng đạt bao nhiêu phần trăm. Nhận xét về mặt chuyên môn xin dành cho giới có hiểu biết sâu về nghề, ở đây chỉ là mấy cảm nhận mang tính cách cá nhân của một người xem phim độc lập.

Đầu tiên, phải nói là phim này có hiện tượng cháy vé, có thể do dàn diễn viên nữ có ngoại hình thu hút hoặc hệ thống phát hành phim làm việc tốt. Định vào trễ khoảng 20 phút (phim chiếu khoảng sau 10-15 phút từ khi cho khán giả vào rạp) mà mua vé không được đành phải ngồi đợi gần 60 phút cho suất chiếu cuối theo thông tin trên bảng thông báo điện tử. Vậy là tranh thủ rủ rê lần chót coi có ai đi coi chung không vì vào lúc đó vé suất cuối cũng gần hết (theo sơ đồ chỗ ngồi mà nhân viên bán vé cho coi), tiếc là không có thêm ai nhưng giả sử nếu có thêm người muốn coi chung mà khi tới nơi không mua được vé thì cũng phiền.

Theo đoạn phim giới thiệu thì chủ yếu chỉ thấy tạo hình của nhân vật và bối cảnh của nghề thời trang. Tuy nhiên trong phim thì thấy rõ hơn chất hài hước kiểu thường thấy trong các phim Hollywood ở hầu hết các phân đoạn. Khán giả dễ dàng tự khám phá ra những chi tiết gây cười thông qua tình huống bất ngờ nhẹ nhàng có sự kết nối của bối cảnh thay vì nhân vật phải chỉ dẫn trực tiếp hoặc gián tiếp bằng lời thoại dài dòng giống như thường thấy ở nhiều phim Việt Nam. Đó có thể là khác biệt trong tư duy giao thông của hai nền văn hóa, hay kiểu ngây thơ riêng biệt của mỗi nhân vật cho tới chi tiết hào quang sân khấu bất ngờ nhờ sự cố đồ chua và quyết tâm thực hiện kế hoạch.

Bộ phim cũng cẩn thận chiếu phụ đề song ngữ để khán giả tiện theo dõi và đó là một nỗ lực khá cần thiết với một bộ phim có bối cảnh mang tính quốc tế với sự tham gia của diễn viên phụ đúng chất Hollywood.
Chi tiết tưởng tượng quá nhiều của nhân vật nữ chính cũng có thể xem là một phương thức hữu hiệu bằng hình ảnh giúp người xem cảm nhận dần dần cá tính tạo nên lý do cho cốt truyện.

Ngạc nhiên nhất là sự liên hệ ở một chi tiết quê quán của nhân vật Hà My do Trúc Diễm đóng với tưởng tượng của nữ chính cùng với chi tiết cô gái gốc Việt ở đầu phim rất quan tâm đến giữ gìn tiếng mẹ đẻ trong gia đình tương lai ở xứ người. Một sự liên hệ rất nhẹ nhàng nhưng có hiệu quả cho thấy những khía cạnh đa dạng và toàn diện trong nội tâm nhân vật nữ chính. Nhiều khán giả có thể sẽ bất ngờ và cảm thấy thú vị nếu biết rằng thân mẫu của diễn viên Trúc Diễm vốn quê ở Cần Thơ và rất đam mê nghệ thuật sân khấu cải lương và đờn ca tài tử Nam Bộ. Có thể họ sẽ tự hỏi, liệu vai diễn đó và chi tiết đó có phải là một món quà đặc biệt mà nữ diễn viên dành tặng cho bà hay chỉ là sự gặp gỡ tình cờ giữa biên kịch và diễn viên trong quá trình hoàn thành đường dây kịch bản. Hay nó phản ánh xu hướng các đạo diễn cảm thấy cần thiết tích hợp những giá trị truyền thống trong một bộ phim giải trí để nó gần gũi hơn với lớp khán giả của lối sống ngày càng đô thị hóa.

Là chi tiết rất nhỏ của một vai phụ, nhưng hình ảnh một tài tử Việt kiều và một người mẫu sắc nước hương trời trình diễn minh họa một trích đoạn cải lương kinh điển trên nền giọng hát của hai nghệ sĩ Kim Tử Long (cũng cùng quê với thân mẫu Trúc Diễm) và Tài Linh chắc chắn làm những ai chưa quan tâm đến cổ nhạc cũng sẽ phải tìm hiểu cái điều kỳ lạ này tại sao lại xuất hiện trong một bộ phim có vẻ... trớt quớt so với nội dung. Như một lần GS. Trần Văn Khê đã từng gọi đây là phương pháp "dụng sắc quảng bá", tức là dùng cái đẹp bên ngoài để thu hút và làm người khác say mê cái đẹp bên trong của đờn ca tài tử, để bảo tồn một cách chủ động và làm cho nghệ thuật cổ truyền sống mãi. Có lẽ đạo diễn cũng khá tâm đắc phân đoạn mang tính cách tưởng tượng này nên đã ưu ái đính kèm ở cuối phim một đoạn hậu trường khá dài, tiếc là đa số khán giả đã rời khỏi rạp ngay trước khi phần giới thiệu đoàn làm phim (credits) bắt đầu chạy chữ lúc người viết nán lại chờ xem.


Mặc dù là một phim dán nhãn do Việt kiều làm, nhưng có thể tin rằng tinh thần sáng tạo dung hòa giữa cổ và kim, giữa trong nước và ngoài nước của tập thể làm phim sẽ được hoan nghênh và trở thành một làn gió mới cho phong cách làm phim thương mại nhưng bao hàm nhiều giá trị nhân văn.

* Lời hát theo điệu "Duyên thủy ngư" của Kim Tử Long và Tài Linh trong phiên bản Lữ Bố Điêu Thuyền của phim Âm Mưu Giày Gót Nhọn (do Trúc Diễm và Petey Majik diễn minh họa) là trích từ bản âm thanh gốc của tuồng "Liên hoàn kế" do Đài Truyền hình Cần Thơ và Hãng phim Tây Đô sản xuất năm 1995.

Toàn văn lời hát:

"Điêu Thuyền: Em nữ nhi khuê phòng bất xuất
Lữ Bố: Không hề chi
Điêu Thuyền: Em dám đâu vui đùa trăng gió
Lữ Bố: Ta nói không có hề chi
Nay hùng anh đắm say thuyền quyên
Chung hòa câu oanh yến hòa đôi
Tung trời ta lướt gió
Múa ca vui say mừng đón tình xuân..."

Thứ Ba, 15 tháng 10, 2013

Chuyện kênh truyền hình trực tiếp


Sau khi biết rõ tại sao VTV không hề truyền hình trực tiếp toàn bộ Quốc tang Đại tướng và luôn khẳng định làm đúng kịch bản như được chỉ đạo (không biết ai chỉ đạo mà lại xảy ra ít nhất một bê bối của phóng viên hiện trường trước con mắt của hàng ngàn người dân và hàng triệu công dân mạng được xem lại qua báo chí và mạng xã hội), trong khi VOV Giao thông, vốn là một kênh phát thanh có thêm dịch phụ phát hình, lại làm được truyền hình trực tiếp những khoảnh khắc cảm động nhất, có nguồn tin nói như sau:

"VTV không truyền trực tiếp quá trình đoàn xe tang di chuyển từ Nhà tang lễ Quốc gia tới sân bay quốc tế Nội Bài. Không riêng VTV, không đơn vị nào có thể thực hiện truyền hình ảnh trực tiếp từ xe màu (xe của đài truyền hình) trong sáng hôm qua. Nguyên do là bởi chiếc xe như hình. Đây là xe phá sóng chuyên dụng của quân đội có tác dụng phá tất cả các loại sóng vô tuyến, đề phòng khả năng sử dụng sóng vô tuyến (bao gồm cả sóng điện thoại) để kích hoạt bom từ xa. Đơn vị duy nhất thực hiện được việc truyền hình trực tiếp hôm qua là VOV. Bởi đơn vị này có thể lấy tín hiệu từ mạng lưới camera giám sát giao thông có sẵn trên các tuyến đường từ kênh VOV Giao thông do mình quản lý. Mạng lưới các camera này sử dụng mạng hữu tuyến để truyền tín hiệu về trung tâm nên không bị xe phá sóng tác động."

Tuy nhiên với tư cách một kênh truyền thông cấp quốc gia, VTV phải biết rõ điều này từ trước và có phương án dự phòng vì đã có truyền hình trực tiếp nhiều lễ quốc tang hoặc sự kiện có nhiều nguyên thủ quốc gia tham dự. Và cái mà người dân phiền muộn chính là thái độ không hề thực sự cho thấy có nỗ lực truyền hình trực tiếp trọn vẹn Quốc tang Đại tướng của VTV trong khi VOV giao thông và các kênh truyền thông cá nhân và tổ chức quần chúng lại làm được, với mặc định của hạ tầng mạng xã hội phát triển so với những thời điểm trước đây.

Do đó mình hạ quyết tâm sẽ phải xây dựng một kênh truyền hình trực tiếp và trực tuyến trong tương lai. Ít nhất cũng phải như Hội Cổ động viên Việt Nam (thực ra là Hội Hâm Mộ các em HAGL JMG) đã tường thuật trận U19 Việt Nam thắng U19 Australia làm bao người Việt Nam khóc vì hạnh phúc. Chuyện nhỏ nhưng nếu không có cái tâm thì dù tầm cao đến đâu cũng không làm được.

Chuyện cái màn hình thông báo


Ảnh minh họa: Facebook Mập Đẹp 

Hồi xưa lúc định làm cuộc thi về nhật ký qua mạng, có dự kiến sẽ mời nhà tài trợ lắp nguyên dàn màn hình tinh thể lỏng thông báo hoạt động trong toàn trường cho mọi người được biết. Nhưng tiếc là không làm được, nên không biết chừng nào sinh viên Văn Khoa mới có cảm giác tự hào được coi thông báo hiện đại bằng màn hình điện tử giống như Đại học Quốc tế.

Chuyện đi đám tang người nổi tiếng

Năm 2008, Quốc tang cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, hay còn gọi là bác Sáu Dân. Ông là người con của tỉnh Vĩnh Long, là một trong các lãnh đạo Việt Nam hiếm hoi có tìm hiểu và nỗ lực tìm cách giải quyết vấn đề hậu quả sau nước biển dâng do biến đổi khí hậu của vùng đồng bằng sông Cửu Long, thậm chí trước khi mất đột ngột đã sẵn sàng khăn gói sang tận nơi tìm hiểu học tập mô hình ứng phó nước biển dâng của Hà Lan vốn là một quốc gia có diện tích nhỏ hẹp hơn Việt Nam gấp nhiều lần và chịu sự tấn công mạnh mẽ của biến đổi khí hậu nhưng lại là một trong các nước phát triển cao ở châu Âu. Năm đó, hình như đang ở đâu đó, cũng lên kế hoạch đi viếng ở Dinh Độc lập, nhưng không có điều kiện, và đùng một cái, có người rủ đi... canh đám tang của phụ huynh cô Trưởng khoa với mấy người đồng môn và tiền bối (cuối cùng thật ra chỉ là tới hầu chuyện đến khuya cùng mấy đồng môn và tiền bối khác). Rốt cục, chỉ có ở nhà nghiên cứu mức độ cập nhật của báo chí mạng thế giới và phản ứng của các nước theo dòng thời gian về quốc tang năm đó cung cấp trên mạng cá nhân mà hông biết có bao nhiêu người vô đọc, trước khi Yahoo! 360 sụp đổ hoàn toàn.

Đầu năm 2013, đám tang nhạc sĩ Phạm Duy, người được tạm coi là người mở đầu cho phong trào làm mới dân ca Việt Nam thông qua tân nhạc đang rất thịnh hành. Được xem là một người bạn thân suốt nửa thế kỷ của Văn Cao dù đi theo hai con đường khác biệt, ông cũng là người đi tiên phong dịch bài hát, đặc biệt là thể loại cổ ca và dân ca các nước sang tiếng Việt và ngược lại. Có thể nói, bên cạnh kho tác phẩm âm nhạc đồ sộ gần như nhiều nhất Việt Nam hiện chưa ai vượt qua, riêng về mảng này, cũng chưa ai vượt qua được Phạm Duy bởi vì... có ai khác làm vậy đâu. May mắn được tham gia phỏng vấn Phạm Duy đúng một năm trước ngày ông mất, dù được tin ngay trong đêm 27/01/2013 và cũng định tham gia đi viếng nhưng ngại vì không phải người quen của gia đình nhạc sĩ, lại không có thông tin chính xác về việc có thể đến viếng hay không nên cuối cùng không nhớ đã làm những gì trước Tết mặc dù có lẽ đã có những việc ngoài kế hoạch xảy ra liên tục.


Cuối năm 2013, Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bị chấn thương lãng xẹt trước khi thi đấu một giải đấu cấp... không phải là tổ dân phố, cũng hông phải là phường, càng hông phải là quận mà cũng hông phải thành phố dù nó cũng có hai chữ thành phố trong đó. Vậy mà cũng lết đi quay được gần hai chục giờ phim tư liệu ký ức xã hội để dành. Thời gian còn lại... nằm nhà dưỡng thương. Tới ngày Quốc tang thì lại đang... quay phim đám cưới gia đình, sau một đêm không ngủ soạn cho xong bài hát tưởng nhớ Đại tướng. Sang ngày truy điệu thì... đi trại tập huấn nhiếp ảnh và đi hầu chuyện các tiền bối do đã hứa và phải giữ lời. Xong việc, chạy về nhà định tranh thủ tắm để thay bộ đồ không thể dơ hơn sau mấy ngày gió bụi để đi viếng Không gian Tưởng niệm, không ngờ có lẽ do đã di chuyển liên tục ba ngày, tập trung vận động tâm trí soạn xong lời bài hát và bản dịch tưởng nhớ Đại tướng, cảm xúc lẫn lộn giữa đám cưới và quốc tang, hỉ sự và bi sự, ảnh hưởng của đau mắt bất ngờ và hoạt động thần kinh não bộ quá tải, nhận thêm một cú điện thoại nữa, phát hiện ra... không biết mình đã nghe gì và nói gì, sau đó thì... cảm thấy mệt, nằm xuống và bất tỉnh nhân sự không còn biết trời đất gì nữa thay vì ra chỗ hẹn. Vậy là bể kế hoạch đi viếng Không gian Tưởng niệm vừa kết thúc tối khuya hôm trước. Xui xẻo cho thế giới là hơn 12 giờ sau thì tỉnh lại trong trạng thái... mắt không thấy gì vì hình như đã bị lây nhiễm đau mắt từ ai không biết.

Và hôm nay, đi viếng đám tang thân phụ của nghệ sĩ Thanh Bạch, một người cũng được xem là "Trưởng khoa Múa rối và Tạp kỹ" đầu tiên của Việt Nam, mặc dù ai cũng biết là cho tới hiện tại chẳng có cái trường nào hay bộ môn nào dạy mấy thứ đó một cách chính quy ở xứ này hết.

Có lẽ mình chỉ có duyên đi được đám tang thường dân thôi. Cho nên mấy bạn nào chuẩn bị lên làm lãnh đạo hay nhà văn hóa lớn chắc mai mốt khỏi cần dặn con cháu mời mình tới dự. Hông cần nói chắc cũng tự hiểu được. Mà khổ cái là một số bạn mình mới quen một thời gian thì lại lên làm lãnh đạo, còn một số thầy cô hoặc tiền bối cách đây mới cách không lâu cũng thành lãnh đạo hết trơn. Mà mình thì chỉ thích làm thường dân thôi nên suy nghĩ cũng khá là tầm thường, đặc biệt là cho tới gần đây mới biết bà con họ hàng mấy chục năm mới gặp toàn làm lãnh đạo cao cấp.

Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

Chuyện hai cái đài phát thanh

Hồi xưa, hai đài phát thanh tui nghe nhiều nhất cuộc đời từ khi nhà có cái máy thu thanh là đài phát thanh... Cần Thơ và đài phát thanh... Trà Ôn.

Nghe đài Cần Thơ vì chương trình phát 24/24 và đủ tất cả thể loại ca nhạc thiếu nhi, đọc truyện đêm khuya và đặc biệt là cải lương mỗi ngày hai tuồng. Nghe rồi thu âm đi thu âm lại hư hết mấy cuộn băng quý giá.

Cho nên thật ra khi còn ở nhà từ năm lớp 5 tới hết lớp 11 tui học nghe cải lương và nhạc thiếu nhi là chính còn học bài và làm thợ bánh là phụ.

Còn nghe đài Trà Ôn vì có nhạc hiệu là bài "Nam Bộ kháng chiến", từ khi đài phát sóng thử nghiệm lần đầu tiên, và mỗi lần chỉ phát có 30 phút lúc 5 giờ sáng và 17 giờ chiều, nghe xong là tắt để chuyển lại qua đài Cần Thơ vì biết rõ giờ phát sóng các chương trình yêu thích. Nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn, tác giả của bài "Nam Bộ kháng chiến" cũng là bài hát được phổ biến duy nhất của ông, là một người gốc Trà Ôn.

(bài này viết nhằm mục đích kêu gọi ai có sách “Lịch sử Nam bộ kháng chiến” và "Giáo dục Nam Bộ thời kỳ kháng chiến chống Pháp" thì tặng lại hoặc bán lại cho Tủ sách Một Tháng Năm)

Thứ Ba, 3 tháng 9, 2013

Bất tất nhiên luận

Người nhớ làm chi chuyện thương tâm
Hồi quang phản chiếu cũng sai lầm
Phận duyên không đến không sân hận
Phản quan tự kỷ cũng minh tâm.

Duy lý vốn là bất tất nhiên
Làm chi chuốc lấy những ưu phiền
Tri kỷ nhân gian nào dễ có
Bi sầu nhân thế cũng tự nhiên.

Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2013

Thời gian

Thời gian là gì ai biết không?
Mà khiến nhân gian tóc bạc đầu
Mà làm rêu phủ chốn ưu tư

Thời gian là gì ai biết không?
Mà khiến măng non biến tre già
Mà làm cỏ úa lá thu bay

Thời gian là gì ai biết không?
Mà khiến mây xanh hóa mưa rào  
Mà làm nắng gió nhớ thương nhau

Thời gian là gì ai biết không?
Mà khiến đất trời luôn xoay chuyển
Mà làm quá khứ hóa vị lai

Thời gian là gì ai biết không?
Mà khiến hư không tiến vô cùng
Mà làm thái cực hóa lưỡng nghi

Thời gian là gì ai biết không?
Thời gian là gì không ai biết.
Ai biết thời gian không là gì.

Thứ Ba, 13 tháng 8, 2013

Nắng gió mây mưa

Có một chiều trong gió lạnh hiu hiu
Mưa lất phất bay qua khung cửa nhỏ
Mây lả lơi xô đẩy cuối chân trời
Từ phương xa ánh nắng tới gọi mời
Nương theo gió mây hững hờ xa lánh.

"Chẳng chịu đâu, mây mưa còn nhỏ lắm".
Gió cười đùa trêu nắng dưới tinh khôi.
"Mây thế đó, luôn cùng mưa vần vũ
Gió một mình say đắm cả mây mưa."

Trong hơi nắng chói chang bảy sắc màu
Mưa theo gió kéo nhau về sông suối
Cuối chân trời mây một mình đứng đợi
Trôi dịu dàng ngơ ngẩn ngắm non xanh.

(tặng những người bạn của tôi)

04:29 - 30/08/2007

Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2013

WorldMUN

WorldMUN là viết tắt của  Harvard World Model United Nations (tạm dịch: "Mô hình Liên Hiệp Quốc Thế giới Harvard", một hội nghị Mô hình Liên Hiệp Quốc du lịch thường niên do sinh viên Đại học Harvard và một trường đại học địa phương từ thành phố đăng cai phối hợp tổ chức. Đây là một cơ hội lớn cho sinh viên thành phố thể hiện trách nhiệm đối ngoại học thuật của thanh niên Việt Nam với bạn bè quốc tế trong nhiệm kỳ của Tổng Thư ký ASEAN đầu tiên là người Việt Nam. Chương trình mở rộng cho tất cả các thành phố đấu thầu đăng cai hội nghị của năm kế tiếp từ lúc chưa kết thúc chương trình của năm trước đó và thường rơi vào khoảng giữa tháng 4 hàng năm.

Yêu cầu của ban điều phối chính gồm tập thể sinh viên tại trường Đại học Harvard là ban tổ chức địa phương phải là nhóm sinh viên tại một trường đại học hoặc là liên kết giữa nhiều trường đại học tại một thành phố và chứng minh được khả năng tổ chức của mình cho khoảng 2,000 đại biểu hàng năm bao gồm sinh viên và nghiên cứu sinh từ hơn 60 quốc gia.

Các thành phố đã từng tổ chức WorldMUN: The Hague (Hà Lan); Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ); Puebla (Mexico); Geneva (Thụy Sĩ); Brussels (Bỉ); Beijing (Trung Quốc); Edinburgh (Vương quốc Liên hiệp Anh); Sharm El-Sheikh (Ai Cập); Heidelberg (Đức); Belo Horizonte (Brazil); Vancouver (Canada); Melbourne (Australia).

Các hoạt động chính:

1. Các phiên họp hội đồng
- Hình thức của chương trình này hoàn toàn giống những điều được mô phỏng trong các học phần liên quan của sinh viên ngành Quan hệ Quốc tế hoặc tương đương
- Người tham gia được chỉ định đại diện các quốc gia, tổ chức, hoặc lãnh đạo để tranh biện các vấn đề quốc tế trnog một phiên họp mô phỏng của một tổ chức liên chính phủ.

2. Thách thức đầu tư
Những người tham gia có quan tâm tranh tài để giành lấy các khoản tài trợ thực hiện các giải pháp sáng tạo trong các lĩnh vực về chăm sóc sức khỏe, giáo dục, quyền con người, công nghệ, nước, và các lĩnh vực khác.

3. Hoạt động trong hội nghị
Các hội thảo dành cho người tham gia tương tác với các nhà ngoại giao, chính khách và giới hàn lâm.

4. Hoạt động xã hội
a. Làng toàn cầu (Global Village): Mỗi năm, WorldMUN khởi động lộ trình xã hội với Làng toàn cầu. Đây là cơ hội đầu tiên cho các đại biểu gặp nhau trong một khung cảnh xã hội. Các phái đoàn tổ chức một gian hàng để chia sẻ các giá trị truyền thống, ẩm thực và nhiều hơn nữa từ quê hương mình.
b. Đêm văn hóa: do ban tổ chức địa phương từng năm tổ chức để giúp người tham gia trải nghiệm văn hóa địa phương của thành phố đăng cai.
c. Cabaret: Cũng là một truyền thống của WorldMUN, các đại biểu thể hiện tài năng trên sân khấu theo hình thức Cabaret vào đêm thứ ba của chuỗi sự kiện.
d. Tiệc chia tay: Theo truyền thống, WorldMUN kết thúc với sự kiện xã hội cuối cùng này.

(tạm dịch từ Wikipedia)

Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2013

Thuyết trình viên nghiệp dư

Chiều thứ Sáu vào trường định quay phim tư liệu về cái cuộc thi "Cultures of the Mind" gì đó mà vào hội trường không thấy ai, cũng không thấy có bảng hướng dẫn gì hết, vậy là sẵn tiện dành nguyên buổi chiều quay phim và chụp hình tư liệu cái triển lãm ảnh “Vì Trường Sa thân yêu” cũng như hành nghề thuyết trình dạo và nói chơi mà trúng thiệt. Sau đó có mấy phát hiện sau:

Phát hiện 1: Triển lãm rất vắng và sạch sẽ, một số đầu sách trong tủ kính bị nghiêng (có hình ảnh và phim tư liệu nếu ai muốn coi) còn khu vực sinh viên ngồi tự học (phân nửa còn lại của khu sảnh D rộng lớn) thì rất đông.

Phát hiện 2: 3 trong 4 bản đồ của triển lãm ghi chú nguồn là "Trung tâm Dữ liệu Hoàng Sa", bản đồ còn lại ghi nguồn là "Bảo tàng Lịch sử Quốc gia" bằng ba thứ tiếng Việt - Anh - Hoa.

Phát hiện 3: Khi mình hỏi một sinh viên khoa sử và một sinh viên khoa quan hệ quốc tế tình cờ gặp tại sảnh D thì được cho biết thông tin là các bạn cho biết là nhìn thì biết triển lãm nhưng không rõ cụ thể ý nghĩa của các hình ảnh và bản đồ được trưng bày (hi vọng là mấy bạn chỉ nói chơi thôi). Chỉ đến khi được hướng dẫn viên nghiệp dư Tí Thông Minh thuyết minh sơ nét về ý nghĩa các từ ngữ và chi tiết quan trọng của từng bản đồ, thì các bạn mới hiểu tầm quan trọng và giá trị của các bản đồ sau (theo thứ tự thời gian):

- Đại Nam thống nhất toàn đồ (triều Minh Mạng, năm 1834; trên bản đồ có ghi Hoàng Sa và Vạn lý Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam).

- An Nam đại quốc họa đồ (Jean-Louis Taberd, năm 1838; trên bản đồ vẽ quần đảo “Paracel seu Cát Vàng” - quần đảo Hoàng Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam).

- Bản đồ các đài khí tượng Đông Dương (năm 1940, Đài khí tượng ở Pattle - Hoàng Sa và đài khí tượng ở Itu Aba - Trường Sa là hai đài khí tượng cấp quan trọng nhất ở Đông Dương).

- Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ (đời nhà Thanh, năm 1904; trên bản đồ có ghi điểm cực nam của lãnh thổ Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam).

Do đó mình có đề nghị là:

1. Khoa Ngữ văn Anh cần chú ý những hoạt động truyền thông chi tiết nhiều hơn.
2. Chuyên ngành liên quan đến nghiệp vụ bảo tàng của Khoa Lịch sử hoặc ban tổ chức cần cử chuyên viên thuyết trình thường trực hoặc tổ chức các hoạt động bên lề (ví dụ như chụp ảnh giao lưu, thuyết trình ngắn, giới thiệu sách, ghi cảm nhận người xem...) tránh cho triển lãm ảnh thành một "bảo tàng chết".
3. Một số bạn nên tăng cường tập múa để giảm cân nhằm cải thiện tình trạng dạy và học sử của nước nhà. :D
4. Chúc phái đoàn Olympic của Đại học Quốc gia thành công với giấy carton. \:D/

* Nếu không có gì thay đổi, trong các ngày từ 18-22/03/2013 trong điều kiện cho phép mình dự kiến sẽ tham gia thuyết trình miễn phí cho các bạn có nhu cầu tìm hiểu tầm quan trọng của các bản đồ nói trên. Đây là dự án mang tính chất cá nhân và rất hoan nghênh sự tham gia của các bạn có kiến thức về chủ quyền biển đảo, bản đồ học hoặc sự hỗ trợ của phong trào sinh viên trường hay ban tổ chức.

Các bạn có thể đăng ký trước tại đây và hẹn ngày giờ trước để mình sắp xếp.

Thông tin và hình ảnh trên báo:
http://www.baohaiquan.vn/pages/tp-hcm-khai-mac-trien-lam-anh-vi-truong-sa-than-yeu.aspx
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130313/vi-truong-sa-than-yeu-den-voi-sinh-vien-tp-hcm.aspx
http://congan.com.vn/?mod=detnews&catid=708&p&id=491123
http://www.hcmussh.edu.vn/3cms/?cmd=130&art=1359337434145&cat=1317275010407
http://www.vnuhcm.edu.vn/?ArticleId=39710293-b9ec-434f-ba46-38af37567541

Thứ Tư, 6 tháng 3, 2013

Mắt mờ

Hiện tượng A xảy ra kéo theo hiện tượng B. Đôi mặt ta bị che mờ bởi những giới hạn của tầm nhìn và định kiến nên nghĩ rằng hiện tượng A là cái hữu hình C. Và vì cứ mãi đối phó với cái hữu hình C nên hiện tượng A không làm gì cả mà hiện tượng B trở nên vĩ đại còn đôi mặt ta ngày càng bị che mờ.

Đôi mắt bạn có bị che mờ không? Đừng đi đo mắt, mà hãy nhắm mắt lại để nhìn bằng trái tim.

Người già và Facebook

Thường thì chỉ có các bậc phụ huynh tìm cách theo dõi con cái trên Facebook. Còn mình thì ngược lại, ai cũng coi được mình làm cái gì, và mình thì... nghiêm túc theo dõi chỉ dẫn của các cụ già. Bởi vì, người già thông thái vô cùng nhưng chỉ truyền miệng tri thức cho người nào có duyên phận thôi.

Nguyên tắc

Với một nguyên tắc rõ ràng và mềm dẻo linh hoạt, sẽ rất thuận tiện cho viêc giải quyết mọi vấn đề. Tuy nhiên, cùng nguyên tắc đó mà đưa sự áp đặt mang tính cách cưỡng bức vào sẽ chuốc lấy thất bại thảm hại trên phương diện toàn cục. Đáng tiếc, điều phổ biến dễ nhìn thấy luôn là một nguyên tắc cứng nhắc và mang tính cách tức thời.

Chuyện quên kể

Có chuyện này quên kể số là chiều ngày thứ Năm tuần này đang vội vã chạy đi họp thì bị một chiếc xe ngoắc lại xe mình dừng từ từ còn xe kia chạy lên phía trên tắp vào lề lúc đang đèn đỏ và mấy bạn có biết người bước xuống chiếc xe kia là ai không đó là người mà mấy bạn nhỏ vô cùng yêu thích khoái bứt râu ổng lắm tiếc là ổng không có râu và người đó không ai khác hơn chính là người mà mình vừa mới kể xong người mà ai cũng biết là ai đó người mà mấy bạn nhỏ vô cùng yêu thích bứt râu người mà nằm trong số những ông già Nam Bộ còn tại vị trên giang hồ người mà không nói tên chắc cũng nhiều người chưa biết đâu đó chính là...
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
tác giả của "Tấm ván phóng dao" hay nghệ sĩ Mạc Can ổng dừng xe rủ mình đi nhậu sẵn tiện nhờ khám dùm bệnh con chuột và giới thiệu dùm coi có chỗ nào bán xe máy cổ lỗ sỉ mua về treo lên coi chơi vì thế mình nói là có anh BT trùm về xe cổ lỗ sỉ chắc sẽ chỉ dùm ổng chỗ mua xe thiệt mắc chỉ cần tới đó coi chơi cho biết chứ mắc quá lấy gì mua và ngay sau đó ổng rất là hài lòng vì rủ được mình đi nhậu mà lại được nhận lời khám dùm con chuột nữa nên ổng nói thôi chú em đi đi nghe xong mình thấy mình cũng già gần bằng ổng thiệt kể chuyện không dấu mệt gì đâu luôn.

Nhớ cây viết

Những lúc như thế này
Ta lại nhớ về ngươi da diết
Ta mải miết trong nhiều chiều thẳng đứng
Thời gian dừng như một lá sen bay
Ta không hay một vết nhòe trên áo
Ta bất hảo uống cạn một dòng sông
Giữa hư không ngươi nào hay nào biết
Ta thẫn thờ khi ngươi tạm biệt

Những lúc như thế này
Ta lại nhớ về ngươi da diết
Ta quyết liệt trong nhiều chiều thẳng đứng
Thời gian dừng như một lá sen bay
Ta không chạy một vết nhòe trên áo
Ta nghẹn ngào uống cạn một dòng sông
Giữa hư không ngươi nào hay nào biết
Ta thẫn thờ khi ngươi tạm biệt

Những lúc như thế này
Ta lại nhớ về ngươi da diết

Giữa hư không ngươi nào hay nào biết
Ta thẫn thờ khi ngươi tạm biệt

Ta không tin ở chính mình đôi mắt
Đâu hết rồi những cây viết của ta?

Thứ Năm, 14 tháng 2, 2013

Về hay không


Bài thơ đầu ta viết cho em
Là bài thơ chưa thể cuối cùng

Em ra đi khi đồng xanh biển mặn
Đã biết bao ngày cá lặn chim bay
Về đi em cho bớt những nhớ mong
Để cho trời thôi nắng gắt mùa đông
Để cho ai yên giấc mộng trưa hè

Em chưa về đồng vẫn xanh biển vẫn mặn
Lại biết bao ngày cá lặn chim bay
Về đi em cho lòng thôi trống trải
Để cho sông thôi triều cường mùa hạ
Để cho người lạ cũng cười hỏi chào nhau

Về đi em
Trốn đâu mà trốn mãi

Về đi thôi
Đừng để mắt thương sầu

Về hay không
Tùy ở em quyết định

Nhưng em sẽ mãi là
Một mảnh hồn Harvard của ta.

(viết cho cái nón đỏ thất lạc ngay trước Tết Quý Tỵ)

Thứ Tư, 16 tháng 1, 2013

Trái tim em trong ba lô - Một bản gia đình ca thời chiến






Chào tạm biệt quê hương lên đường ra biên giới
Ba lô anh mang trên vai mang trái tim em đi cùng trên đường hành quân xa
Qua rừng sâu dốc đá ba lô thì thầm bên tai bước nhanh lên mình nhé. 
Đêm về nhìn trăng lên biên thùy thiêng liêng quá
Trăng khuya ru em nghe chăng
Và sớm mai ta lên đường quân thù từ bên kia đêm ngày mong cướp phá
Ba lô làm bệ cho anh đánh tan quân bành trướng. 
Biên giới ngàn mến thương từng nắm đất quê hương bao máu xương
Đã đổ biết bao đời ngàn thuở đất Hùng Vương tiếng trống Chi Lăng
Năm xưa đang còn đó quân thù mong gieo gió là anh ra đi chưa về
Trên đường hành quân xa có em đang đi bên anh
Trên đường hành quân xa trái tim em trong ba lô.
*Thông tin tác giả:

Nhạc sĩ Tăng Minh Thành (bút danh khác là Hải Ly) sinh ngày 19/08/1934 tại Mỹ Xuyên, Sóc Trăng. Ông tham gia kháng chiến chống Pháp tại Khu 8 với cây súng và cây đàn violin rồi tập kết ra Bắc. Sau khi tốt nghiệp bộ môn sáng tác tại Trường Âm nhạc Việt Nam (Nhạc viện Hà Nội), ông về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau ngày thống nhất đất nước ông đảm nhiệm công tác biên tạp âm nhạc tại Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đến lúc nghỉ hưu.

Ông viết ca khúc không nhiều nhưng một số ca khúc để lại ấn tượng mạnh mẽ như: Trái tim em trong ba lô, Mùa Xuân trong mắt em, Về quê mẹ, Bạn đời ơi, Chim sơn ca trên đảo Sơn Ca, Gửi về mẹ Huế thân thương, Bông hồng trắng... Ông còn viết một số tác phẩm khí nhạc. Tiêu biểu là chủ đề về biến tấu cho violon và piano, về anh hùng Võ Thị Sáu.

Trong quá trình hoạt động nghệ thuật, ông cũng đã giành được nhiều giải thưởng văn học nghệ thuật, giải thưởng âm nhạc. Ông nhận được nhiều huân chương: Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huân chương kháng chiến chống Pháp, Huân chương chiến sĩ vẻ vang hạng nhất, Huân chương chiến công hạng nhất.

Ông là thân sinh của nghệ sĩ violin Tăng Thành Nam, soloist và concertmaster của dàn nhạc giao hưởng Tp.HCM. Ông qua đời hồi 13g ngày 04/02/2007 sau một thời gian mắc trọng bệnh.

*Thông tin khác:

1. Họ Tăng là một họ thuộc dạng hiếm xuất hiện đầy đủ ở Việt Nam, Trung Quốc (Hán tự: 曾, Bính âm: Zẽng), Triều Tiên (Hangul: 증, Romaja quốc ngữ: Jeung). Theo định nghĩa hiện tại thì những người mang họ Tăng ở Việt Nam là người "gốc Hoa". Trong danh sách "Bách gia tính" họ này chỉ đứng thứ 384 nhưng người mang họ Tăng đông thứ 32 ở Trung Quốc theo thống kê năm 2006.

2. Bài hát "Trái tim em trong ba lô" với giai điệu, tiết tấu nhanh, chậm khỏe khoắn, hùng tráng và dạt dào tình cảm có nội dung diễn tả tình cảm và suy nghĩ của người chiến sĩ Việt Nam đi chiến đấu "đánh tan quân bành trướng" tức là chống lại cuộc "Chiến tranh đánh trả tự vệ trước Việt Nam" của giới lãnh đạo diều hâu Trung Quốc vào thời kỳ 1979-1985 đẩy nhiều số phận người "gốc Hoa" ở Việt Nam vào một biến động di cư lớn. Bài hát có thời gian lưu hành khoảng 6 năm (đến năm 1985) trước thời điểm Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ ngoại giao.

Bài hát thể hiện đậm nét tâm hồn, tình yêu quê hương, tình yêu lứa đôi thiết tha cháy bỏng của người lính biết hi sinh và biết đợi chờ. Trong ba lô của người chiến sĩ luôn đong đầy những kỉ vật của người thân yêu, có thể đó là tấm khăn rằn, chai dầu gió, chiếc khăn mùi xoa thêu mơ ước và tâm tư của người ở lại. Những vật ấy tuy tầm thường nhưng với người chiến sĩ ra đi làm nhiệm vụ thiêng liêng thì đó là vô giá. Chúng là hình hài, là bóng dáng, là trái tim của người yêu được cất giữ theo các anh suốt cuộc hành trình.

Đêm cuối chia tay người yêu, gia đình để sớm mai lên đường ra biên giới, cẩn thận đặt vật kỉ niệm trong chiếc ba lô gởi gấm những ước mơ, hoài vọng của người hậu phương về một ngày mai tươi sáng. Họ sẵn sàng hi sinh tình yêu lứa đôi của mình để hòa chung vào tình yêu đất nước, bởi chỉ có tự do, hòa bình thì tình yêu đôi lứa mới thật sự trọn vẹn.

Thứ Ba, 1 tháng 1, 2013

Trung Hoa Dân quốc và Tôn Trung Sơn

Ngày 01/01/1912, Trung Hoa Dân quốc (tiếng Anh: Republic of China) được thành lập theo thể chế cộng hòa. "Dân quốc" là cách dịch tên gọi thể chế cộng hòa sang Trung văn từ các tiếng châu Âu lúc bấy giờ. Dưới sự lãnh đạo của Tôn Trung Sơn, chính phủ lâm thời đã tiến hành một loạt cải cách chính trị và xã hội, ban bố nhiều sắc lệnh có lợi cho phát triển kinh tế, chính trị và giáo dục văn hóa dân chủ giai cấp tư sản. Từ 1912 đến 1949, Trung Hoa Dân quốc là một chính phủ chính thức và duy nhất của toàn bộ Trung Quốc bao gồm lãnh thổ Lục địa và các đảo Đài Loan, Bành Hồ, Kim Môn và Mã Tổ.

Tháng 03/1925, Tôn Trung Sơn qua đời, tạo nên một bước ngoặc lớn trong lịch sử Trung Quốc hiện đại khi người kế nhiệm là Tưởng Giới Thạch thay đổi một số đường lối dẫn tới cuộc Nội chiến Trung Quốc cuối cùng kết thúc với thắng lợi của lực lượng Mao Trạch Đông. Sau ngày 07/12/1949, Chính phủ Trung Hoa Dân quốc dời từ Trung Quốc Lục địa về Đài Loan và tái thành lập ngày 01/03/1950 cho đến nay với hai tên gọi phổ biến là "Lãnh thổ Đài Loan" hoặc "Trung Hoa Đài Bắc". Năm 1912 vẫn được tính là năm bắt đầu của Lịch Dân quốc.

Tôn Trung Sơn (孫中山) tên thật là Tôn Dật Tiên (chữ Hán: 孫逸仙), hay còn gọi là Tôn Văn, là nhà cách mạng dân chủ Trung Quốc, người lãnh đạo cuộc cách mạng Tân Hợi năm 1911 lật đổ triều đại Mãn Thanh và khai sinh nước Trung Hoa Dân quốc. Ông được dân chúng Trung Quốc gọi một cách yêu mến là "Quốc phụ" (người cha của đất nước). Vợ thứ hai của ông là Tống Khánh Linh, sau này cũng làm Chủ tịch danh dự nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Chủ thuyết "Tam dân" của ông (dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc) có ảnh hưởng sâu sắc đến phong trào đấu tranh giành độc lập ở Việt Nam, đặc biệt là Quốc Dân Đảng Việt Nam và tầng lớp trí thức yêu nước Việt Nam trong những năm 1920-1930. Ngay cả sau đó, Việt Minh (Việt Nam độc lập đồng minh hội) cũng được tổ chức theo khuôn mẫu của Trung Quốc Đồng minh hội do Tôn Dật Tiên sáng lập tại Trung Quốc năm 1905. Thuyết tam dân cũng được Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa vào bản tuyên ngôn độc lập cũng như nó được thể hiện tinh gọn trong quốc hiệu Việt Nam kể từ ngày 02/09/1945.

Ông Tôn Dật Tiên được thờ trong đạo Cao Đài ở Việt Nam như là một trong Tam Thánh sáng lập. Tên ông cũng được đặt cho một con đường và một công viên ở quận 7, thành phố Hồ Chí Minh.

Tôn Dật Tiên vốn là một người gốc Bách Việt đã bị Hán hóa. Theo dòng lịch sử, ta còn thấy một thực tế là đã từng có rất nhiều người gốc Bách Việt tham gia vào bộ máy đô hộ của phong kiến Trung Hoa trong các thời kỳ khác nhau nhưng đã chọn Lạc Việt (sau là Chân Lạp, Giao Chỉ...) làm "hậu cứ" để chống lại Vương triều trung ương (như Hồ Quý Ly, Lý Bôn, Lý Bí chẳng hạn); rất nhiều người trong số họ thực sự đã tái hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam. Cũng đã từng diễn ra những đợt rời bỏ quê hương của người Hoa gốc Bách Việt thuộc nhiều thế hệ trước đến định cư tại Việt Nam và các nước Đông Nam Á.

Theo tác giả Trần Kinh Nghị, sử cận đại Trung Quốc cũng cho thấy, cho mãi đến những năm 1940 danh từ "dân tộc Việt" mới bị Tôn Trung Sơn (đã mất từ năm 1925?) chủ trương xóa bỏ trong bản đồ dân số Trung Quốc. Cho đến này nay để ý thấy ít nhiều vẫn còn những tình cảm kỳ thị giữa các cộng đồng gốc gác Bách Việt tại Trung Quốc với người "từ phương Bắc".

(Nemo tổng hợp)

Mục tiêu 2013-2017

Từ tháng 1/2013, nhà ngoại giao Lê Lương Minh chính thức nhậm chức Tổng Thư ký ASEAN và kéo dài nhiệm kỳ đến hết 2017, nghĩa là vai trò của ông được thử thách cùng thời hạn của Cộng đồng ASEAN 2015. Hay nói cách khác, chuyện đó có thể có liên quan hoặc không có liên quan tới một số thứ mà có thể nó sẽ xảy ra hoặc không xảy ra không phụ thuộc vào việc một số người có muốn làm gì đó hay không.

Riêng về Nemo, mục tiêu đầu tiên (và có lẽ là duy nhất) về tiền tệ như sau: Hết năm 2013 kiếm được khoảng tương đương giá trị căn nhà chung cư loại trung bình trở xuống tại Tp.HCM, rồi tặng chìa khóa cho ba má.

Sau đó, gửi hết đồ đạc lại và... đi lang thang chuyên nghiệp, cho tới năm 2017 chẳng hạn. Chuyện cũ rích nên không cần giải thích.
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...