Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

Rằm tháng Bảy

Rằm tháng Bảy (15/07 âm lịch, tại Nhật là ngày 15/08 dương lịch) là ngày Xá tội vong nhân theo phong tục Á Đông. Theo tín ngưỡng dân gian, vào ngày này, mọi tù nhân ở Địa ngục có cơ hội được xá tội, được thoát sanh về cảnh giới an lành. Do là ngày mở cửa ngục, ân xá cho vong nhân nên có lễ cúng Cô hồn (vào buổi chiều) cho các vong linh không nhà cửa không nơi nương tựa, không có thân nhân trên Dương thế thờ cúng.

Lễ cúng Cô hồn này trùng vào Tết Trung Nguyên của người Hán và Lễ Báo hiếu của Phật giáo. Lễ Báo hiếu (còn gọi là Vu-Lan) là ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ (và tổ tiên nói chung) - cha mẹ của kiếp này và của các kiếp trước, xuất phát từ truyền thuyết Maudgalyāyana (tức Mục-Kiền-Liên theo cách ký âm gián tiếp Phạn-Hán-Việt) trong kinh điển Ullambana (tức Vu-Lan-Bồn) của Phật giáo.

Theo tác giả Thích Nhất Hạnh trong bài viết "Bông hồng cài áo" (1962), sau được nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ phổ nhạc, thì Tây phương không có ngày Vu-Lan nhưng cũng có Ngày Mẹ (Mother's Day): "Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng..."

Ban đầu bông hoa ở đây không nhất thiết là hoa hồng. Khi tập tục cài bông lên áo du nhập vào Việt Nam, thì hoa hồng là loại hoa được sử dụng phổ biến nhất trong dịp Rằm tháng Bảy.

---

Vu-Lan-Bồn, Mục-Kiền-Liên giống như Pháp-Lang-Sa, Nga-La-Tư hay Sài-Gòn, Cà-Mau, Sóc-Trăng đều là các từ phiên âm vô nghĩa mà bởi vì giáo dục nền tảng quốc ngữ Việt Nam đã phát triển lệch lạc hàng thập kỷ nay do hệ quả cạnh tranh của các nhóm lợi ích ngôn ngữ nên đại đa số dân chúng không hiểu những thứ được  ký âm tương đối chính xác nhưng hoàn toàn mù mờ về nghĩa.

Theo tác giả An Chi trong bài viết "Cúng Rằm tháng Bảy - Tết Trung Nguyên - Lễ Vu Lan báo hiếu", thì Vu-Lan là dạng nói tắt của "Vu-Lan-bồn", là cách đọc theo Hán Việt từ phiên âm Phạn-Hán 盂蘭盆 của chữ उल्लम्बन (Ullambhana) trong bộ kinh cùng tên. Vì "Vu-Lan-bồn" chỉ là ba tiếng dùng để phiên âm, cho nên từng tiếng một (Vu, Lan, bồn) hoàn toàn không có nghĩa gì trong Hán ngữ cả.

उल्लम्बन tạm dịch nghĩa là giúp đỡ giải thoát (cho những ai bị treo ngược). Liên kết nó với tín ngưỡng ngày xá tội vong nhân Á Đông thì bộ kinh điển cùng tên thì nghĩa là kinh điển để giúp đỡ và giải thoát cho (những ai bị treo ngược) mà cụ thể là cho các vong nhân chịu đọa đày chưa được siêu thoát.

http://www.truclamminhchanh.org/contents/PhatPhap/en/Ullambana.pdf
https://en.wiktionary.org/wiki/%E7%9B%82%E8%98%AD%E7%9B%86
https://global.sotozen-net.or.jp/eng/library/glossary/individual.html?key=bon_festival

Tạng thức

Có mấy bạn hay thắc mắc là tại sao mình làm cái này cái kia, vậy lợi ích của mình là cái gì trong đó? Não cũng mình cũng ít có phẳng lắm, mình chẳng nghĩ được gì nhiều để trả lời cho câu hỏi đó. Trả lời kiểu mấy người bị cho là tâm thần thì có thể là "thích thì làm thôi, hứng lên thì làm thôi", còn trả lời nghiêm túc là thực sự làm những việc đó như một quán tính.

Giống như mình đọc được một vài thông tin về tri thức khoa học cổ xưa nói rằng: cái tồn tại sau khi thân xác ngừng hoạt động là thần thức (là Tạng thức sau khi rời thân xác) sẽ tiếp tục cuộc sống trong một thân xác khác (lúc mới sinh ra hoặc đăng nhập trực tiếp vào một thân xác đang cần) mà không có trí nhớ lưu trữ trong thân xác cũ, vì Tạng thức vốn là tàng thức, độc lập với ý thức (chỉ hoạt động cho thân xác hiện tại; điều khiển mắt, tai, mũi, lưỡi, thân trong "bát thức tâm vương"; chịu sự sai khiến của bản năng sinh tồn và ở trong tầm quan sát của Tạng thức) nên khi sang kiếp mới chúng ta không nhớ gì, nếu không tu luyện để có năng lực tinh thần mạnh mà khai mở nó ra thì không thể nhìn thấy kiếp trước của mình được. Và chính cái gọi là thần thức, mà người ta quen gọi là "vong hồn" theo nghĩa chủ yếu là tiêu cực, sẽ dựa theo những thông tin lưu trữ trong Tạng thức (được gọi là Nghiệp lực) mà "dẫn dắt" chúng ta tái sinh vào những nơi tương thích, rồi ở trong thân xác mới đó Tạng thức sẽ quy định sự hình thành và phát triển của thân xác mới bao gồm cả ý thức và bản năng sinh tồn, số mệnh, năng khiếu bẩm sinh. Những trải nghiệm của Tạng thức sẽ tiếp tục như chưa bao giờ chấm dứt trong thân xác mới, hay theo cách nói phổ biến của ngôn ngữ Phật giáo là "trong kiếp này mỗi người sẽ phải trả cái nghiệp mà mình đã gây ra ở kiếp trước".

Vậy có thể nói mình làm tiếp những việc đó tương tự như những gì mình đã làm trước đây, theo một quán tính có định hướng của Tạng thức. Tất nhiên, đây là nói theo tri thức khoa học cổ xưa. Còn ai không tin, thì coi như mình "thích thì làm thôi, hứng lên thì làm thôi". Và đúng là y như vậy.

Thứ Hai, 27 tháng 8, 2012

Tóc dài

Có nhiều bạn hay thắc mắc tại sao mình để tóc dài, và đây là có thể là một dạng đáp án: mình thích để tóc dài từ nhỏ, lớn lên thì thích ngắm tóc dài đẹp tự nhiên, giống như những hiệp khách cổ trang, hay các nhân vật lãng tử trong truyện tranh Nhật Bản, đặc biệt yêu thích kiểu tóc dài đen huyền nguyên thủy ngắn nhất tới lưng có hai nhánh nhỏ hai bên trước tai buông xuống như các nữ hiệp.

Hoàn toàn giống mọi thiếu niên và thanh niên trong một xã hội sau chiến tranh loạn lạc kéo dài, sở thích cá nhân của mình được gia đình can thiệp bằng cách bắt đi cắt sau mỗi ba tháng hoặc hơn (khi còn ở nhà), và mỗi năm (sau khi đi xa). Ở những tổ chức chính trị xã hội mà mình tham gia, cũng có những ngăn cấm mang tính định kiến như vậy với cùng quan điểm tiêu cực về hình ảnh một sinh vật ăn thịt có tư duy không phải giống cái.

Vậy tại sao tóc mình giờ đây dài quá vậy? Đó là nhờ lần cuối cùng đi xin việc ở nơi mình từng theo học, và một số định kiến về tóc dài ở một số môi trường có gắn biển văn hóa. Mình đã từng gửi hồ sơ đi xin việc ở rất nhiều nơi, nhưng chỗ nhận mình vào làm lâu nhất lại không yêu cầu gì về bằng cấp mà chủ yếu do một năng lực rất ngẫu nhiên mà chỗ đó đang cần chỉ sau một lần trao đổi qua thư. Từ lần cuối cùng xin việc đó, vốn chỉ có 2 ứng viên tại vòng phỏng vấn nhưng không có ai được chọn, mình bắt đầu không cắt tóc nữa vì thấy rằng cắt tóc không giúp xin được việc dù cho khả năng và lý lịch bản thân được đánh giá tốt, dẫn tới một vài xung đột văn hóa gia đình nhưng cái gì hợp lý thì tồn tại, nhất là sau khi mình chứng minh được điều đó là phù hợp với truyền thống gia đình bên ngoại (ông cố của mình là một minh chứng không ai cãi lại được vì ông để tóc dài cho đến lúc mất, và lúc đó ở Việt Nam chưa hề có một tôn giáo nào chủ trương để tóc dài). Hơn nữa, thầy dạy Đại học môn Cơ sở Văn hóa Việt Nam của mình là một người để tóc dài và chẳng ai nói gì thầy cả.

Một người đã làm việc tự do đúng chuyên ngành (dù chuyên ngành đó không ai đào tạo bài bản) ngay sau khi bắt đầu Đại học như mình sẽ không cắt tóc chỉ để đổi lấy một công việc bàn giấy hoặc một vị trí xã hội nào đó có định kiến với tóc dài. Vì mình không tin rằng nếu để tóc dài thì đạo đức hay năng lực một cá nhân có vấn đề. Vấn đề nằm ở chỗ cái định kiến về tóc dài của số đông mà không có không gian cho tư duy độc lập. Những định kiến như vậy còn nhiều thì xã hội Việt Nam còn chưa thoát khỏi tư duy và tâm lý nhược tiểu.

Có thể, một ngày nào đó, sau khi giải quyết xong những trách nhiệm gia đình, mình sẽ vứt bỏ mọi thứ bằng cấp, mọi danh hiệu cá nhân tạm bợ chỉ để chứng minh sự bình đẳng trong một thời buổi vật chất chủ nghĩa thống trị và bắt đầu đi lang thang chuyên nghiệp. Như một người vô gia cư hạnh phúc.

Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2012

Lưỡng sự nhất nhật

Người uy vũ hiên ngang đại quốc công thần.

Còn bọn trẻ non gan muốn tỏ bày nhiều tâm huyết.

Cũng mong là đóa sen tỏa hương tốt cho muôn đời.

Không hẹn mà gặp.

(nhân sinh nhật lần thứ 97 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp)

19:52 25 tháng 8 năm 2008
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...