Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

Rằm tháng Bảy

Rằm tháng Bảy (15/07 âm lịch, tại Nhật là ngày 15/08 dương lịch) là ngày Xá tội vong nhân theo phong tục Á Đông. Theo tín ngưỡng dân gian, vào ngày này, mọi tù nhân ở Địa ngục có cơ hội được xá tội, được thoát sanh về cảnh giới an lành. Do là ngày mở cửa ngục, ân xá cho vong nhân nên có lễ cúng Cô hồn (vào buổi chiều) cho các vong linh không nhà cửa không nơi nương tựa, không có thân nhân trên Dương thế thờ cúng.

Lễ cúng Cô hồn này trùng vào Tết Trung Nguyên của người Hán và Lễ Báo hiếu của Phật giáo. Lễ Báo hiếu (còn gọi là Vu-Lan) là ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ (và tổ tiên nói chung) - cha mẹ của kiếp này và của các kiếp trước, xuất phát từ truyền thuyết Maudgalyāyana (tức Mục-Kiền-Liên theo cách ký âm gián tiếp Phạn-Hán-Việt) trong kinh điển Ullambana (tức Vu-Lan-Bồn) của Phật giáo.

Theo tác giả Thích Nhất Hạnh trong bài viết "Bông hồng cài áo" (1962), sau được nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ phổ nhạc, thì Tây phương không có ngày Vu-Lan nhưng cũng có Ngày Mẹ (Mother's Day): "Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng..."

Ban đầu bông hoa ở đây không nhất thiết là hoa hồng. Khi tập tục cài bông lên áo du nhập vào Việt Nam, thì hoa hồng là loại hoa được sử dụng phổ biến nhất trong dịp Rằm tháng Bảy.

---

Vu-Lan-Bồn, Mục-Kiền-Liên giống như Pháp-Lang-Sa, Nga-La-Tư hay Sài-Gòn, Cà-Mau, Sóc-Trăng đều là các từ phiên âm vô nghĩa mà bởi vì giáo dục nền tảng quốc ngữ Việt Nam đã phát triển lệch lạc hàng thập kỷ nay do hệ quả cạnh tranh của các nhóm lợi ích ngôn ngữ nên đại đa số dân chúng không hiểu những thứ được  ký âm tương đối chính xác nhưng hoàn toàn mù mờ về nghĩa.

Theo tác giả An Chi trong bài viết "Cúng Rằm tháng Bảy - Tết Trung Nguyên - Lễ Vu Lan báo hiếu", thì Vu-Lan là dạng nói tắt của "Vu-Lan-bồn", là cách đọc theo Hán Việt từ phiên âm Phạn-Hán 盂蘭盆 của chữ उल्लम्बन (Ullambhana) trong bộ kinh cùng tên. Vì "Vu-Lan-bồn" chỉ là ba tiếng dùng để phiên âm, cho nên từng tiếng một (Vu, Lan, bồn) hoàn toàn không có nghĩa gì trong Hán ngữ cả.

उल्लम्बन tạm dịch nghĩa là giúp đỡ giải thoát (cho những ai bị treo ngược). Liên kết nó với tín ngưỡng ngày xá tội vong nhân Á Đông thì bộ kinh điển cùng tên thì nghĩa là kinh điển để giúp đỡ và giải thoát cho (những ai bị treo ngược) mà cụ thể là cho các vong nhân chịu đọa đày chưa được siêu thoát.

http://www.truclamminhchanh.org/contents/PhatPhap/en/Ullambana.pdf
https://en.wiktionary.org/wiki/%E7%9B%82%E8%98%AD%E7%9B%86
https://global.sotozen-net.or.jp/eng/library/glossary/individual.html?key=bon_festival

0 bình luận:

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...