Chủ Nhật, 2 tháng 9, 2012

Tết Độc lập

Khi nói đến Tết, người ta hay nghĩ đến thời điểm chuyển giao năm cũ và năm mới theo âm lịch, và thường được gọi đầy đủ là Tết năm mới hoặc Tết Nguyên đán, hay gọi rút gọn Tết cùng tên tổ hợp can chi của năm mới. Nhưng bản thân từ nguyên của Tết, vốn tồn tại trong nhiều nền văn hóa khác nhau bao gồm nhiều dân tộc và sắc dân ở khắp miền Đông Nam Á, chỉ là sự đánh một thời điểm theo chu kì của lịch pháp chứ không có gì đặc biệt. Do ý chí chính trị để điều hành xã hội mà từ Tết có ý nghĩa đặc biệt với một cộng đồng người, cụ thể là khối người sử dụng tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ, là ngôn ngữ giao tiếp giữa các nhóm tộc người trong cùng quốc gia sinh sống trong vùng văn hóa Việt Nam (có thể không ở trong lãnh thổ của quốc gia Việt Nam).

Ngày 02/09/1945 là ngày nhà chính trị và danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nhà nước dân chủ cộng hòa đầu tiên trên toàn lãnh thổ Việt Nam, hoàn toàn do người Việt Nam tự vận hành và làm chủ, vì quyền lợi của người Việt Nam.

Như vậy, có thể nói ngày 02/09/1945 là thời điểm chuyển giao giữa "năm cũ" là thời gian nước Việt Nam chưa được độc lập khỏi chủ nghĩa thực dân hiện đại và "năm mới" là nền độc lập hoàn toàn của người Việt Nam. Để cho trang trọng, về mặt chính trị tên gọi chính thức của ngày này là "Quốc khánh", về mặt văn hóa tên gọi không chính thức của ngày này là "Tết Độc lập", với cùng ý nghĩa của ngày Tết như một ngày lễ mang tính cách văn hóa mới kết hợp với ý chí chính trị của cộng đồng quốc gia.

Theo tác giả Dương Trung Quốc, dẫn nguồn từ bài viết "Tết Độc lập" của tác giả Ngọc Lê, bắt đầu từ mùa xuân 1946 và cho đến nhiều năm về sau, trong nhân dân quen gọi “Tết độc lập” vào dịp Lễ Quốc khánh. Điều này bắt nguồn từ lúc xuất hiện bài viết với nhan đề “Tết” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên báo “Cứu Quốc” trong đó có câu: “Tết Xuân đầu tiên của Nước Việt Nam độc lập”, ý nói về Tết Bính Tuất - lần đầu tiên sau 80 năm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, cả dân tộc đã được đón một Tết Nguyên đán của Nước Việt Nam độc lập.

Đặc biệt, ngày Tết Độc lập thực sự trở thành một phần của văn hóa vùng cao Tây Bắc Việt Nam, cụ thể hơn là Tết Độc lập trở thành một ngày lễ quan trọng chỉ sau Tết năm mới đối với các nhóm tộc người Mông, Mường, Thái, Dao, Tày,... thậm chí trở thành một ngày hội giúp bảo tồn văn hóa dân tộc Mông, hay biến cao nguyên Mộc Châu thành một "thánh địa của Tết Độc lập", với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ thể thao thu hút đồng bào các dân tộc vùng văn hóa Tây Bắc, bao gồm cả các quốc gia láng giềng tìm đến chung vui.

0 bình luận:

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...