Thứ Năm, 6 tháng 2, 2014

Chuyện ký

Buồn không phải buồn. Zui vốn không phải zui. Đó là chọn lựa.

Sadness is not sadnesss. Joy is not joy. It's a choice.

Dương Thái Kỳ - cô gái thời gian


Dương Thái Kỳ (Wei Caiqi), cháu gái của Dương Lệ Bình (Yang Liping), đang giống như hiện tượng Flappy Bird. Nhiều người bình luận từ góc nhìn cá nhân cho rằng nhà tổ chức chương trình "độc ác" khi bắt cô gái sinh năm 1999 phải quay tròn với vận tốc tương đương 0,95 giây/vòng và trong 4 giờ đã quay tổng cộng 15000 vòng, nếu so sánh với vòng quay của mặt trăng thì thời gian đó tương đường từ thời Đường đến hiện tại. Tuy nhiên, cũng có bình luận cho thấy góc nhìn khác, rằng đó là kỹ năng gia truyền của dòng họ, và trên thực tế Dương Thái Kỳ không hề cho thấy bị ép buộc mà rất hài lòng khi được biểu diễn: "Có người nói rằng thật độc ác khi tôi bị yêu cầu xoay vòng liên tục 4 giờ, nhưng đó là sự rèn luyện tinh thần cho tôi". "Đó là cách thử thách giới hạn của tôi, giống như những người chinh phục đỉnh Everest vậy, chỉ để xem ai sẽ làm được điều đó".“Hòm thư của cháu đầy ngập. Cháu cũng đã xem bình luận trên mạng, biết rằng rất nhiều người thấy bất bình… Quan trọng là cháu đã tham gia. Được lên chương trình là cháu rất vui rồi, những thứ khác không quan trọng”. Một bình luận khác cho biết phần biểu diễn nhập vai thời gian của Dương Thái Kỳ vốn là một nghi lễ tôn giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ gọi là múa thiền Sufi, khi người múa tập luyện đạt một trình độ nhất định có thể nhìn vào một điểm cố định xoay vòng mà không cảm thấy chóng mặt.

Trích một số bình luận tiêu biểu được đăng tại trang tin chinaSMACK.


Thứ Tư, 5 tháng 2, 2014

Lễ xây chầu đại bội ở Nam Bộ

Xây chầu và đại bội là quá trình diễn tấu văn nghệ, do những nghệ nhân dân gian trình diễn, trong những không gian thiêng liêng dân dã, phục vụ cho dân làng thưởng thức. Nó đáp ứng được nhu cầu tâm linh của dân làng trong việc thờ thần và vui chơi trong mỗi kỳ lễ tết, theo nhịp thời gian vụ mùa. Xây chầu là một lễ quan trọng và rất phổ biến trong các cuộc tế lễ ở Nam bộ. Hầu như trong các cuộc tế lễ thần thánh nào cũng có tục xây chầu, từ lễ hội cúng đình, lễ hội nghinh Ông… cho đến lễ vía bà Chúa Xứ.

Lễ này, theo nhà văn Sơn Nam, là để nhắc nhở cội nguồn, đề cao tư thế con người trong vũ trụ, cầu mong sự hài hòa giữa Thiên, Địa, Nhơn (Nhân): tròn đạo Trời, vuông đạo Đất, sáng đạo Người. Con người luôn gắn bó với mặt trời, Mặt Trăng, tinh tú, cây cỏ, núi sông, mưa, nắng, gió.

Theo sách Văn hóa tâm linh Nam Bộ thì: Xây chầu còn gọi là khai tràng (chầu hát, trường hát), khai thiên lập địa, khai thông thái cực. Lễ này vốn bắt nguồn từ lễ Đại Bội, diễn ra trong cung đình nhà Nguyễn. Sau, lễ truyền ra ngoài và trở thành nét đặc trưng của lễ hội ở đinh miếu Nam Bộ.

Và người có công bày ra là Tả quân Lê Văn Duyệt, khi ông đang giữ chức Tổng trấn Gia Định thành. Người Hoa và đồng bào phía đồng bằng Sông Hồng không có lễ này.


Cũng theo Sơn Nam, sau phần xây chầu thì hoạt cảnh đại bội quan trọng nhất về ngôi Ngũ hành là cảnh "Lễ Đứng Cái" gồm năm diễn viên tham gia.

Một Cái tên là Mã Viên, là một diễn viên nam, mặt trắng, đội mão, tay cầm quạt, tương đối còn trẻ, chứng tỏ dồi dào sinh lực, phải trang nghiêm, không cười lả lơi đứng giữa, mặc áo vàng tượng trưng hành Thổ, có nghĩa là Đất (đất ruộng). Xuân, Hạ, Thu, Đông tuy quan trọng nhưng phục vụ cho Đất. Bốn mùa luân chuyển, nếu thiếu Đất thì làm sao sản xuất lúa gạo được.

Bốn cô đào thài đứng bốn bên, mặc xiêm y sang trọng tượng trưng cho:
- Mã Xuân mai: mùa xuân, mặc áo xanh, hành Mộc.
- Mã Hạ mai: mùa hạ, mặc áo đỏ, hành Hỏa.
- Mã Thu mai: mùa thu, mặc áo trắng, hành Kim.
- Mã Đông mai: mùa Đông, mặc áo tím, hành Thủy.

Tiết mục này vui tươi, ngoạn mục, linh động nhất mà mọi người đều ưa thích trong Lễ Đại Bội. Bốn cô đào thài mặc xiêm y sang trọng, tay cầm quạt phe phảy, yểu điệu, cùng ca theo giọng bình dân, ngân nga, nương theo tiếng trúc, với nụ cười. Bốn cô hát bài dài, có những câu như:

"Âu vàng vững đạt báu ngôi,
Trên vua khai rạng, dưới tôi trung thần...
Làu làu tiết chói Nghiêu thiên,
Hây hây Thuấn nhật, vua Lê trị đời..."

Ca ngợi đời Nghiêu - Thuấn thái bình, có vua Lê (hậu Lê), khi chúa Nguyễn vào Nam mở nước. Bốn cô nầy (gọi Con) đã kính cẩn lạy linh thần trước khi hát điệu Nam Xuân dụng, gần như hai tay cầm quạt phải cử động không ngừng, hát xong phân ra bốn gốc sân khấu.

Người Cái bước ra lạy linh thần rồi duyệt qua các cô đào thài (Xuân, Hạ, Thu, Đông), rồi đứng giữa (trung ương), hát điệu Nam Xuân. Hát xong, các đào thài đóng vai Con phụ họa theo, chúc tụng đất nước, chúc tung nhân dân, chúc tụng trời đất muôn loài từ ngũ hành mà ra. Cái hát chúc thọ vị lãnh đạo Dân tộc, lạy tạ thần linh, kính chúc ban Tế lễ; rồi đào thài múa lượn, vẫn cầm quạt ca ngợi Tổ quốc, với nụ cười duyên dáng. Đào hát theo điệu gọi là Nhịp Một, có trồng đệm theo, gây phấn khởi, lạc quan.






* Minh họa: Chương trình Lễ xây chầu đình chùa Nam Bộ tại lăng ông Dung Ngọc hầu Tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn (đường Thống Chế Điều Bát, xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn, Vĩnh Long) do đoàn tuồng cổ gia truyền Mai Minh Khai thực hiện. Đoàn Mai Minh Khai là một trong những đoàn tuổng cổ có tuổi đời lâu nhất, gần ba phần tư thế kỷ, tại vùng ĐBSCL vẫn còn đang hoạt động. Lễ hội Lăng Ông Dung Ngọc hầu Tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn diễn ra vào mùng 3, mùng 4 Tết Nguyên đán hàng năm.

Lễ vật cầu cổ truyền Việt Nam hay nguồn gốc của bóng bầu dục Mỹ?


Lễ hội vật cầu cổ truyền đình làng Thúy Lĩnh, phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai (Hà Nội) tại lễ hội đầu xuân (chiều mùng 5 Tết) đã có từ hàng trăm năm, được truyền từ đời này qua đời khác. Đến ngày nay, dân làng Thúy Lĩnh vẫn tiếp tục nỗi dõi cha ông tổ chức đúng nghi thức vào mỗi dịp mùng 5 và 6 Tết.

Một quả cầu được sơn son nặng 20kg dành cho thanh niên trên 18 tuổi, 10kg dành cho tuổi từ 13 đến 16.

8 người chơi được chia làm 4 đội, mặc trang phục quần trắng, mình trần, dây lưng chia các màu để phân biệt.

Trước khi màn đấu chính thức (tranh cầu) do các trai tráng tuổi trên 18 diễn ra là phần tranh tài của các em nhỏ tuổi từ 13 đến 16 cùng tranh cướp quả bòng nặng vài kg.

Về cơ bản phần thi đấu của lứa tuổi nào cũng như nhau. Các VĐV được chia làm 4 đội, họ phải sử dụng chiến thuật làm sao để tranh cướp được quả cầu bằng gỗ 20kg, đường kính hơn 40cm mang về hố của đội mình. Mỗi một lần như vậy được tính là một lần thắng.

Bình luận của Phố Bolsatv: "Trò chơi dân gian cổ truyền Việt Nam sao lại có lắm điểm tương đồng với trò thể thao football (bóng bầu dục, người dịch chú thích) hốt bạc ở Mỹ vậy cà? Cũng có nhiều ông đô con xông vào vật nhau để giành một trái bóng. Cũng có những trận quan trong diễn ra vào dịp đầu năm. Chỉ khác mỗi cái là nơi này thì có các cụ già đánh trống cổ vũ, còn nơi kia thì phải các cô cheerleaders (cổ động viên, người dịch chú thích) trẻ trung ăn mặc sexy (gợi cảm, người dịch chú thích) nhảy tưng tưng kích động tinh thần các tay chơi."


Nghi lễ cúng tế giỗ ông Dung Ngọc hầu Tiền quân Thống chế Điều bát

Ngay từ thế kỷ 18 (1732) với Dinh Long Hồ, Vĩnh Long đã là một trong những trung tâm chính trị của chúa Nguyễn và cả thời Nguyễn sau này ở Nam Bộ. Bên cạnh một số di tích lịch sử văn hoá như Đình, Chùa, Miếu… hiện tại Vĩnh Long còn có một số quần thể lăng mộ cổ chứa đựng nhiều giá trị về kiến trúc nghệ thuật, giá trị lịch sử văn hoá gắn liền với thân thế và sự nghiệp của tiền nhân trong cuộc khai phá vùng đất Vĩnh Long nói riêng và vùng đất Nam Bộ Việt Nam nói chung. Trong đó có một lăng mộ của quan đại thần triều Nguyễn người Khmer – Lăng Thống chế Điều bát Nguyễn  Văn Tồn.


Lăng Nguyễn Văn Tồn, còn gọi là Lăng Ông hay Lăng Tiền Quân Thống Chế Điều Bát Nguyễn Văn Tồn, toạ độ địa lý: 90.58’.38” Vĩ độ Bắc; 1050.56’.23” Kinh độ Đông. Nằm trên địa phận Ấp Mỹ Hòa, xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, cách trung tâm TP Vĩnh Long khoảng 40km về hướng Đông Nam.

Nguyễn Văn Tồn được Đại Nam liệt truyện ghi chép như sau: Người phủ Trà Vinh nước Chân Lạp, nguyên làm nô trong cung cấm. Mùa xuân năm Giáp Thìn (1786), theo vua sang Vọng Các làm Cai Đội...Tồn khi trước tên là Duyên, không có họ, vì theo đuổi có công bèn cho họ và tên. Năm Gia Long thứ 1 (1802), thăng Cai Cơ. Sai Nguyễn Văn Tồn kiêm quản cả 2 phủ: Trà Vinh, Mân Thiết lệ thuộc vào Vĩnh Trấn...

Năm thứ 9, đổi đồn Xiêm binh làm đồn Uy Viễn, cho Tồn làm thống đồn, trông coi như cũ. Năm thứ 10, lại triệu vào kinh, thăng chức Thống chế, vẫn coi đồn Uy Viễn. Khi trở về cho 10 lạng vàng, 30 lạng bạc, 200 quan tiền, 1 bộ mũ áo đại triều, rồi sai đem 1.000 lính đồn đi đóng ở thành Nam Vang. Năm thứ 18, Nguyễn Văn Tồn đốc lính khơi sông Vĩnh Tế. Minh Mạng năm đầu (1820) thì chết, sai người tới dụ tế, cho cây gấm Trung Quốc, 20 tấm vải, 100 quan tiền, cấp cho 7 tên phu coi mộ. Năm thứ 8, con là Vỵ xin truy cấp cho sắc tặng, bèn được truy tặng làm Thống chế.

Khu lăng mộ của Nguyễn Văn Tồn nằm trên một khu đất có diện tích 8000m2, gồm nhiều công trình kiến trúc: hồ nước, nhà võ ca, nhà tiền tế, đền thờ và khu lăng mộ. Lăng mộ xây bằng hợp chất có bình đồ hình chữ nhật, kích thước dài 12,5m, rộng nhất 8,2m, được bao bọc bởi hệ thống tường thành cao dần từ ngoài vào trong (trung bình từ 0,6m đến 1m). Từ ngoài vào trong bắt đầu với cửa trước với 2 trụ biểu hình vuông (dạng đấu vuông thót đáy) trên có gắn tượng sư tử, kích thước 0,53mx0,53m, cao 1,2m chạy mở theo theo tường thành, vát góc ở hai đầu gấp khúc của tường, cửa trước mộ rộng 2,75m. Án ngữ cửa trước khu lăng mộ là một bình phong tiền ở giữa thụt sâu vào trong so với cửa mộ khoảng 0,5m, chừa lối đi mở sang hai bên vào sân tế, kích thước dài 2,43m; rộng 47cm, cao 1,65m. Sau bình phong tiền là khoảng sân tế, diện tích sâu 3,3m; rộng 6m. Tường thành ở khoảng giữa sân tế này có 2 trụ biểu nối với hai trụ biểu phía sau của phần tường trước mộ tạo thành một dạng bình phong thấp – dạng sập thờ tả hữu ở hai bên. Sau khoảng sân tế này là phần cửa mộ với hệ thống tường và 4 trụ biểu dàn ngang. Hai trụ biểu ở giữa mở ra cửa mộ rộng 2,3m; kích thước các trụ biểu này 0,5mx0,5m, cao 1,92m. Giữa các trụ biểu ở cửa mộ theo hàng ngang, trên tường thành có đắp hình mô hình dạng khám thờ cách điệu, trên nóc mô hình này có gắn tượng nghê men xanh, gốm Sài Gòn. Sau cửa mộ 1,2m là nấm mộ (mui luyện) dạng song táng trên mộ tấm đan kích thước dài 3,6mx3,75m,  dạng hình chữ nhật giật cấp, mộ Nguyễn Văn Tồn bên trái (tả nam hữu nữ) cao hơn mộ phu nhân khoảng 0,1m. Cả hai nấm mộ đều có đúc sập thờ ở phía trước. Riêng nấm mộ của Nguyễn Văn Tồn, sau sập thờ đúc hộp bia mộ có dạng mô hình tam sơn, trong đó ở chính giữa đúc ô hộc hình chữ nhật tạo thành bia. Trên bia có khắc chìm chữ Hán với nội dung: “Dung Ngọc Hầu Tiền Quân Thống Chế Điều bát Tướng Quân Nguyễn Văn Tồn tướng quân chi mộ. Sanh ư thất lục tam niên (1763) tại Trà Vinh. Chung ư Canh Thìn niên chánh nguyệt sơ tứ nhật (ngày 4 tháng 1 năm 1820). Hai bên có dạng cách điệu của cuốn thư, trên đó đắp nổi hình hoa văn lá hoá rồng cách điệu và chữ Hán ở hai bên nội dung: “Hách hiển linh uy; Hương phi vô thần”. Sau nấm mộ 0,9m là tường hậu của khu lăng mộ cũng là một bình phong hậu được làm theo kiểu giả lợp ngói âm dương với các đao mái uốn cong cách điệu một số hình xi vĩ, đầu kìm, đặt trên dạng một sập thờ chân quỳ…mặt trước bình phong hậu có chia thành các ô hộc chìm, trên đó không còn dấu hiệu của chữ Hán hay đắp nổi trang trí như nhiều khu lăng mộ khác. Ngoài ra, ở một số đầu trụ biệu và các điểm tiếp xúc giữa trụ biểu với tường thành có đắp nổi một số hình dạng con cù, cá sấu (gần giống với kỳ đà)…Phía trong tường thành khu nấm mộ hai bên đều có 5 ô hộc đối xứng, trong đó đắp nổi hình hoa lá, giỏ trái cây, lư đỉnh, bình bông, đề tài khỉ…một số đã bị bong tróc không còn nhận diện được hình dáng nguyên thủy. Ở các trụ biểu của khu lăng mộ, trên một số mặt có các ô hộc trang trí hoa lá và câu đối…


Lăng Nguyễn Văn Tồn đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1996.

Từ bố cục mặt bằng tổng thể, vật liệu kiến trúc hợp chất, các hình thức trang trí kiến trúc, thông tin trên bi ký cho thấy đây là một khu lăng mộ mang đặc trưng của các lăng mộ các quan đại thần triều Nguyễn ở Nam Bộ, chứa đựng nhiều giá trị nghệ thuật, có thể so sánh với một số lăng mộ các quan đại thần triều Nguyễn khác như: Lăng Võ Di Nguy, Trương Tấn Bửu, Phạm Quang Triệt, ...(Tp.Hồ Chí Minh); lăng Nguyễn Huỳnh Đức, Nguyễn Khắc Tuấn (Long An); lăng Trịnh Hoài Đức (Biên Hòa); Lăng Thoại Ngọc Hầu (Châu Đốc – An Giang)…

Đặc biệt, khu lăng mộ gắn liền với danh nhân Nguyễn Văn Tồn – một người Khmer ở Nam Bộ được triều đình Nguyễn trọng dụng và đã có công lao lớn trong việc khai phá vùng đất Nam Bộ, tham gia cùng với Thoại Ngọc Hầu chỉ đạo đào kênh Vĩnh Tế nổi tiếng đã được khắc ghi trên Cửu Đỉnh ở Huế, khi mất Ông được xây dựng lăng mộ theo kiểu thức của triều đình Nguyễn mà không theo các hình thức táng tục của người Khmer bản địa. Điều này cho thấy một hình thức mới là triều đình Nguyễn đánh dâu thêm phần xác lập chủ quyền của Việt Nam trên một phương diện mới  - Mộ táng  ở Nam Bộ Việt Nam.

Hàng năm, vào những ngày đầu năm, cộng đồng cư dân Việt, Hoa, Khmer tập trung về Lăng Nguyễn Văn Tồn tổ chức cúng giỗ, tổ chức lễ hội với nhiều hình thức mang nhiều giá trị văn hóa nhằm ghi nhớ công lao, tôn thờ Ông như một nhân vật lịch sử, một vị thần bảo hộ cho dân sinh trong vùng.

Tài liệu tham khảo
1.    Bảo tàng Vĩnh Long 2004: Di tích lịch sử văn hóa Vĩnh Long. Vĩnh Long.
2.    Ban quản lý di tích tỉnh Vĩnh Long 1996: Lý lịch di tích Lăng Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn.Tư liệu Ban quản lý di tích tỉnh Vĩnh Long.

Nguồn: http://baotanglichsuvn.com/la-ng-thong-che-dieu-bat-nguyen-va-n-ton-xa-thien-my-huyen-tra-on-tnh-vinh-long-310.html

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...