Thứ Tư, 5 tháng 2, 2014

Lễ xây chầu đại bội ở Nam Bộ

Xây chầu và đại bội là quá trình diễn tấu văn nghệ, do những nghệ nhân dân gian trình diễn, trong những không gian thiêng liêng dân dã, phục vụ cho dân làng thưởng thức. Nó đáp ứng được nhu cầu tâm linh của dân làng trong việc thờ thần và vui chơi trong mỗi kỳ lễ tết, theo nhịp thời gian vụ mùa. Xây chầu là một lễ quan trọng và rất phổ biến trong các cuộc tế lễ ở Nam bộ. Hầu như trong các cuộc tế lễ thần thánh nào cũng có tục xây chầu, từ lễ hội cúng đình, lễ hội nghinh Ông… cho đến lễ vía bà Chúa Xứ.

Lễ này, theo nhà văn Sơn Nam, là để nhắc nhở cội nguồn, đề cao tư thế con người trong vũ trụ, cầu mong sự hài hòa giữa Thiên, Địa, Nhơn (Nhân): tròn đạo Trời, vuông đạo Đất, sáng đạo Người. Con người luôn gắn bó với mặt trời, Mặt Trăng, tinh tú, cây cỏ, núi sông, mưa, nắng, gió.

Theo sách Văn hóa tâm linh Nam Bộ thì: Xây chầu còn gọi là khai tràng (chầu hát, trường hát), khai thiên lập địa, khai thông thái cực. Lễ này vốn bắt nguồn từ lễ Đại Bội, diễn ra trong cung đình nhà Nguyễn. Sau, lễ truyền ra ngoài và trở thành nét đặc trưng của lễ hội ở đinh miếu Nam Bộ.

Và người có công bày ra là Tả quân Lê Văn Duyệt, khi ông đang giữ chức Tổng trấn Gia Định thành. Người Hoa và đồng bào phía đồng bằng Sông Hồng không có lễ này.


Cũng theo Sơn Nam, sau phần xây chầu thì hoạt cảnh đại bội quan trọng nhất về ngôi Ngũ hành là cảnh "Lễ Đứng Cái" gồm năm diễn viên tham gia.

Một Cái tên là Mã Viên, là một diễn viên nam, mặt trắng, đội mão, tay cầm quạt, tương đối còn trẻ, chứng tỏ dồi dào sinh lực, phải trang nghiêm, không cười lả lơi đứng giữa, mặc áo vàng tượng trưng hành Thổ, có nghĩa là Đất (đất ruộng). Xuân, Hạ, Thu, Đông tuy quan trọng nhưng phục vụ cho Đất. Bốn mùa luân chuyển, nếu thiếu Đất thì làm sao sản xuất lúa gạo được.

Bốn cô đào thài đứng bốn bên, mặc xiêm y sang trọng tượng trưng cho:
- Mã Xuân mai: mùa xuân, mặc áo xanh, hành Mộc.
- Mã Hạ mai: mùa hạ, mặc áo đỏ, hành Hỏa.
- Mã Thu mai: mùa thu, mặc áo trắng, hành Kim.
- Mã Đông mai: mùa Đông, mặc áo tím, hành Thủy.

Tiết mục này vui tươi, ngoạn mục, linh động nhất mà mọi người đều ưa thích trong Lễ Đại Bội. Bốn cô đào thài mặc xiêm y sang trọng, tay cầm quạt phe phảy, yểu điệu, cùng ca theo giọng bình dân, ngân nga, nương theo tiếng trúc, với nụ cười. Bốn cô hát bài dài, có những câu như:

"Âu vàng vững đạt báu ngôi,
Trên vua khai rạng, dưới tôi trung thần...
Làu làu tiết chói Nghiêu thiên,
Hây hây Thuấn nhật, vua Lê trị đời..."

Ca ngợi đời Nghiêu - Thuấn thái bình, có vua Lê (hậu Lê), khi chúa Nguyễn vào Nam mở nước. Bốn cô nầy (gọi Con) đã kính cẩn lạy linh thần trước khi hát điệu Nam Xuân dụng, gần như hai tay cầm quạt phải cử động không ngừng, hát xong phân ra bốn gốc sân khấu.

Người Cái bước ra lạy linh thần rồi duyệt qua các cô đào thài (Xuân, Hạ, Thu, Đông), rồi đứng giữa (trung ương), hát điệu Nam Xuân. Hát xong, các đào thài đóng vai Con phụ họa theo, chúc tụng đất nước, chúc tung nhân dân, chúc tụng trời đất muôn loài từ ngũ hành mà ra. Cái hát chúc thọ vị lãnh đạo Dân tộc, lạy tạ thần linh, kính chúc ban Tế lễ; rồi đào thài múa lượn, vẫn cầm quạt ca ngợi Tổ quốc, với nụ cười duyên dáng. Đào hát theo điệu gọi là Nhịp Một, có trồng đệm theo, gây phấn khởi, lạc quan.






* Minh họa: Chương trình Lễ xây chầu đình chùa Nam Bộ tại lăng ông Dung Ngọc hầu Tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn (đường Thống Chế Điều Bát, xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn, Vĩnh Long) do đoàn tuồng cổ gia truyền Mai Minh Khai thực hiện. Đoàn Mai Minh Khai là một trong những đoàn tuổng cổ có tuổi đời lâu nhất, gần ba phần tư thế kỷ, tại vùng ĐBSCL vẫn còn đang hoạt động. Lễ hội Lăng Ông Dung Ngọc hầu Tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn diễn ra vào mùng 3, mùng 4 Tết Nguyên đán hàng năm.

0 bình luận:

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...