Thứ Năm, 22 tháng 11, 2012

Vũ khúc con ngựa

Điệu múa mô phỏng chuyển động của con ngựa không phải là mới. Có thể tạm phỏng đoán những chiến binh hay "văn công" của đoàn kỵ binh Nguyên Mông khổng lồ của thế kỷ XIII là những người ít nhiều có sự tiếp xúc với ý tưởng này. Trong âm nhạc Việt Nam, điệu múa mô phỏng chiến binh cưỡi ngựa có thể cũng được nghệ thuật hóa từ khi xuất hiện các bài hát dân gian như "Lý ngựa ô".

Thử so sánh hai phim ca nhạc tương tự nhau giữa một thí sinh Đồ rê mí 2011 là "Lý ngựa ô" do bé Tuyết Nhi trình bày (có mặt trên Youtube từ ngày 28/08/2011 và tại thời điểm ngày 22/11/2012 chỉ đạt 295195 lượt xem) và phim ca nhạc "Gangnam Style" (tạm dịch: Phong cách Giang Nam, có mặt trên Youtube từ ngày 15-07-2012 và tại thời điểm 22/11/2012 đạt 781346424 lượt xem, trong đó có 5289383 lượt thích, 315286 lượt không thích). Vậy điểm khác biệt đầu tiên nằm ở chỗ công nghệ truyền thông.



Phim ca nhạc của nghệ sĩ Psy (tên thật Park Jae Sung) cũng chỉ là một sự khai thác khía cạnh này với sự kết hợp âm nhạc điện tử và những hình ảnh kích thích tâm lý giới tính và tìm kiếm sự khác lạ. Trong đó, điệu nhảy phỏng theo dáng cưỡi ngựa, lắc người, đập tay vào nhau của một nghệ sĩ có thân hình mũm mĩm với giai điệu có điệp khúc đơn giản: "Oppan Gangnam Style" (tạm dịch: Anh có phong cách Gangnam).
Gangnam (âm Hán Việt là "Giang Nam") có nghĩa đen là phía nam con sông. Từ những năm 1970, Gangnam bắt đầu phát triển bùng nổ từ những ngôi nhà hoang hóa bao bọc bởi những rãnh thoát nước và vùng đất nông nghiệp rộng lớn. Hiện tại, giá trung bình một căn hộ ở Gangnam khoảng hơn 700.000 USD (14,5 tỷ đồng) - con số mà một hộ gia đình ở Hàn Quốc mất khoảng18 năm để tích góp. Sự giàu có nhanh chóng đã thu hút về Gangnam các cửa hiệu thời thượng nhất, các câu lạc bộ, các địa chỉ phẫu thuật thẩm mỹ cùng nền giáo dục tư hàng đầu dành cho con nhà giàu... Đây cũng là nơi nổi tiếng của tiệc tùng xa hoa, nơi người dân phung phí tiền của vào các mặt hàng xa xỉ để làm nổi bật sự giàu có của họ. Gangnam trở thành địa chỉ được thèm muốn nhất ở Hàn Quốc nhưng cũng khiến người ta nảy sinh sự đố kỵ, dị ứng. Và "Gangnam Style" - một khái niệm phổ biến ở Hàn Quốc - chính là để chỉ phong cách sống của tầng lớp người giàu mới nổi này.
Điệu nhảy được sử dụng trong bài hát nhằm mục đích giễu nhại châm biếm lối sống phô trương của tầng lớp nhà giàu mới nổi quen tiệc tùng xa hoa ở quận Gangnam, một khu phố giàu mạnh nhất của thành phố Seoul (Nam Triều Tiên). Điểm khác biệt thứ hay là sự tích hợp những trào lưu của xã hội, với việc nhập vai một anh chàng muốn chứng tỏ phong cách "đẹp, sành điệu, sang trọng, cao nhã, quý phái" của giới thượng lưu nhưng hành động thực tế lại là hình ảnh hoàn toàn đối lập: rất bình dân và thô tục, hoàn toàn không hề có một chút phong cách "Gangnam" nào. Thay vì nhảy ở các hộp đêm, anh tiệc tùng với những người về hưu trên một chuyến xe bus, thay vì tập thể dục trong câu lạc bộ thể hình cao cấp, anh tập trong một phòng tắm hơi với hai thành viên băng đảng xã hội đen xăm trổ đầy mình. Trong khi đó anh vẫn liên tục vỗ ngực tự xưng "Anh có phong cách Gangnam" kể cả lúc... đang ngồi trong nhà vệ sinh. Một bài hát tưởng như là ngớ ngẩn với những động tác ngớ ngẩn, những vũ công có bề ngoài ngốc nghếch của một "gã quê mùa học làm sang". Nhưng có một thông điệp rõ ràng và nó được đón nhận nồng nhiệt.

(thông tin có tham khảo bài viết của tác giả Song Ngư)

Thứ Tư, 14 tháng 11, 2012

APEC YES 2011: Ngày đầu tiên ở Kuala Lumpur

Chuyến bay trễ hơn dự định khoảng hơn 15 phút, làm người đi phải chờ đợi thêm chưa tính khoảng ngồi chờ từ lúc không có hành khách nào tới khi phòng chờ đầy khách, nhưng bù lại mấy cô tiếp viên dễ thương cho mình lựa chỗ ngồi cạnh cửa sổ để nhìn mây bay (hoặc nhìn mây bị bay qua), mà thực ra hai ghế bên cạnh cũng chẳng có ai ngồi, thành ra giống như ghế VIP.

Cứ nghĩ là sẽ phải trả tiền bữa ăn chiều nên đã ăn sẵn bữa trưa ở nhà, ai dè mấy cô tiếp viên tới quyến rũ với khẩu phần ăn quá hấp dẫn nên cũng xử lý ngon lành với hai tách trà.

Máy bay đáp vào lúc trời đang mưa nhẹ, nước bám vào cả cửa sổ như sương rơi buổi sáng.

Cái sân bay gì mà rộng thênh thang, bước xuống phải đi hỏi lung tung, cảm ơn liên miên, rồi dáo dác coi người ta đi đâu thì đi chung... cho vui. Rốt cục, phải bắt một chuyến aerotrain mới qua được chỗ... sắp tới khu vực nhập cảnh chính thức, sau đó được đồng chí hải quan đuổi ra ngoài vì chưa ghi vô cái tờ giấy nhập cảnh, mãi sau khi ghi xong, bác hải quan khác kiểm tra nhì nhằng một lúc lâu mới cho vào. Rồi lại đứng tiu nghỉu cùng một đoàn mấy chục em nữ sinh Nhật Bản xinh tươi chờ lấy hành lý mà không biết rằng... đứng nhầm chỗ. Tới chừng đi tới đi lui mấy bận lấy xong hành lý thì tới màn số điện thoại của tui đâu. Số là cứ tưởng sẽ mua được cái gói cước tương tự hồi đi Thái Lan trong sân bay, ai dè người ta có cái quầy để... nạp tiền thôi, hông có bán sim. Tính đi ra thử bỏ xu để gọi điện cho ban tổ chức thì có bác bán sim dạo (thật đúng lúc!) rủ rê mua một cái, giá 10 ringgit, gọi được chắc chừng 5-6 ringgit gì đó. Ban tổ chức làm mình mừng hết lớn khi nói sẽ chi trả toàn bộ phí đi lại từ sân bay về khách sạn và cả chỗ ăn ở luôn. Vì thế kế hoạch du lịch bụi bị hủy hỏ. Sau đó bác bán sim dạo hướng dẫn đặt vé taxi tại sân bay để đi về trung tâm, giá không rẻ chút nào nhưng do ban tổ chức đã bảo thì... cứ đi. Tới chừng đến nơi, có ông bạn tới trước nói trúng giá dịch vụ taxi làm mình ngưỡng mộ quá chừng, ông này còn dắt mình đi tìm phòng sau khi được bác trợ lý ban tổ chức là Rostam trao chìa khóa phòng với một câu hỏi ngây thơ vô số tội. Nói chuyện một hồi thì ra ổng tuần trước mới ở Tp.HCM xong, thấy cái áo có chữ IBM. Tuy nhiên rốt cục là quên hỏi tên tất cả những người gặp từ lúc xuống sân bay tới lúc này, ngoại trừ bác Rostam.

Lên phòng kiểm tra thì tá hỏa vì toàn ổ điện 3 lỗ trong khi máy móc hết sạch pin do chụp mây bị bay ngang qua, mà Rostam dặn tối họp mặt thân mật những ai tới trước nên ráng ở trên phòng cắt giấy làm danh thiếp tự chế, tới giờ đi xuống không thấy Rostam đâu gọi cho ổng thì ổng hẹn sáng mai gặp luôn, vậy là vụt đi tìm mua cái "bộ sạc quốc tế" (tạm dịch từ chữ "international adaptor") mà bà con trên mạng có  khuyên bảo. Lúc đầu hỏi bác bảo vệ, ổng chỉ đâu tuốt bên đường, ai dè sát bên có cái siêu thị nhỏ xíu, ghé vô tìm thử thì ra có, vậy là mua luôn lên phòng xử lý sự cố ngay. Mà cũng rất dzui là cái ổ đầu tiên thử thì nó... không có điện, phải mò một hồi ra được mấy cái ổ khác xài tạm.

Cuối cùng định lên mạng cập nhật thông tin cho chương trình ngày hôm sau, thấy rằng... không có dấu hiệu gì là có mạng WIFI miễn phí, vậy là hỏi xin mật khẩu cái mạng giống như là do ban tổ chức tạo ra, nhưng bác Rostam không biết, thành ra đi xuống lễ tân hỏi, thì được cho biết phí dịch vụ một giờ là 5 ringgit, nhưng sau một hồi đi vào trong kiểm tra thì anh ấy trở ra thông báo rằng... hết gói đó rồi, chỉ còn gói 24 giờ với giá 30 ringgit! Trong đầu chợt nghĩ, mua gói này rồi sáng hôm sau đi sớm tới tối mới kết thúc chương trình thành ra lãng phí quá, nên đành cảm ơn liên miên rồi đi dạo phố đêm Kuala Lumpur để tìm "Internet Cafe", kết quả là phát hiện ra mấy quán có đề chữ như vậy toàn là tiệm "Intranet game" chứ không có miếng mạng miết gì hết. Mà ngoài đường thì xe vẫn chạy, xe buýt vẫn lướt, người vẫn đi, quán ăn vẫn mở, trừ mấy chỗ theo giờ hành chính. Rốt cục cũng tìm được một chỗ xa tít mù ở Jalan Raja Laut (thật ra chữ "jalan" có nghĩa là đường, "raja" nghĩa là vua, "laut" nghĩa là "biển" nên nói là đường Vua Biển cũng được). Kết quả sau một hồi tám đủ thứ thì viết xong cái này.

Chương trình ngày mai khá là dài và hấp dẫn, nhất là buổi chiều có phần về nghệ thuật sáng tạo, còn buổi tối là chiêu đãi ăn uống linh đình. Phải nói là nước bạn làm cú này ai đi xong nhớ hoài không quên vì được bao cấp đủ thứ còn hơn là con cưng của ban tổ chức (ngoại trừ vụ vé máy bay).

Viết xong lúc 01:08 GMT+7 18/10/2011

Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2012

Việt Nam và Facebook

Theo chương trình bình luận về chứng nghiện Facebook của VTV1 thì:

1. Châu Á đứng đầu thế giới về số lượng thành viên Facebook:

2. Việt Nam đứng đầu Châu Á về tốc độ tăng trưởng người dùng trên mạng xã hội Facebook.


Nemo cập nhật lúc 22:32 GMT+7 ngày 02/11/2012 từ mạng SocialBakers:

1. Châu Á vẫn đứng đầu thế giới về số lượng thành viên Facebook với tổng số 270.286.720 người dùng.

2. Việt Nam xếp thứ 26 thế giới về lượng người dùng Facebook với 9.422.120 người dùng với tỉ lệ tăng trưởng người dùng xếp thứ ba thế giới là 48.30%. Trung Quốc xếp thứ 100 với 583.840 người dùng, còn Đài Loan xếp thứ 19 với 13.056.720 người dùng và Hoa Kỳ đông nhất với 167.554.700 người dùng.

Trong đó, Tp.HCM xếp hạng 97 (588.200 người dùng) và Hà Nội xếp hạng 37 (1.853.740 người dùng), còn Bangkok (12.797.500 người dùng) và Jakarta (11.658.760 người dùng) đứng đầu danh sách thành phố có đông người dùng Facebook nhất thế giới. Không có thành phố nào của Trung Quốc hay Đài Loan trong danh sách. Ngạc nhiên là các thành phố Hoa Kỳ có lượng người dùng cao nhất không quá 3.700.000.
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...