Thứ Năm, 22 tháng 11, 2012

Vũ khúc con ngựa

Điệu múa mô phỏng chuyển động của con ngựa không phải là mới. Có thể tạm phỏng đoán những chiến binh hay "văn công" của đoàn kỵ binh Nguyên Mông khổng lồ của thế kỷ XIII là những người ít nhiều có sự tiếp xúc với ý tưởng này. Trong âm nhạc Việt Nam, điệu múa mô phỏng chiến binh cưỡi ngựa có thể cũng được nghệ thuật hóa từ khi xuất hiện các bài hát dân gian như "Lý ngựa ô".

Thử so sánh hai phim ca nhạc tương tự nhau giữa một thí sinh Đồ rê mí 2011 là "Lý ngựa ô" do bé Tuyết Nhi trình bày (có mặt trên Youtube từ ngày 28/08/2011 và tại thời điểm ngày 22/11/2012 chỉ đạt 295195 lượt xem) và phim ca nhạc "Gangnam Style" (tạm dịch: Phong cách Giang Nam, có mặt trên Youtube từ ngày 15-07-2012 và tại thời điểm 22/11/2012 đạt 781346424 lượt xem, trong đó có 5289383 lượt thích, 315286 lượt không thích). Vậy điểm khác biệt đầu tiên nằm ở chỗ công nghệ truyền thông.



Phim ca nhạc của nghệ sĩ Psy (tên thật Park Jae Sung) cũng chỉ là một sự khai thác khía cạnh này với sự kết hợp âm nhạc điện tử và những hình ảnh kích thích tâm lý giới tính và tìm kiếm sự khác lạ. Trong đó, điệu nhảy phỏng theo dáng cưỡi ngựa, lắc người, đập tay vào nhau của một nghệ sĩ có thân hình mũm mĩm với giai điệu có điệp khúc đơn giản: "Oppan Gangnam Style" (tạm dịch: Anh có phong cách Gangnam).
Gangnam (âm Hán Việt là "Giang Nam") có nghĩa đen là phía nam con sông. Từ những năm 1970, Gangnam bắt đầu phát triển bùng nổ từ những ngôi nhà hoang hóa bao bọc bởi những rãnh thoát nước và vùng đất nông nghiệp rộng lớn. Hiện tại, giá trung bình một căn hộ ở Gangnam khoảng hơn 700.000 USD (14,5 tỷ đồng) - con số mà một hộ gia đình ở Hàn Quốc mất khoảng18 năm để tích góp. Sự giàu có nhanh chóng đã thu hút về Gangnam các cửa hiệu thời thượng nhất, các câu lạc bộ, các địa chỉ phẫu thuật thẩm mỹ cùng nền giáo dục tư hàng đầu dành cho con nhà giàu... Đây cũng là nơi nổi tiếng của tiệc tùng xa hoa, nơi người dân phung phí tiền của vào các mặt hàng xa xỉ để làm nổi bật sự giàu có của họ. Gangnam trở thành địa chỉ được thèm muốn nhất ở Hàn Quốc nhưng cũng khiến người ta nảy sinh sự đố kỵ, dị ứng. Và "Gangnam Style" - một khái niệm phổ biến ở Hàn Quốc - chính là để chỉ phong cách sống của tầng lớp người giàu mới nổi này.
Điệu nhảy được sử dụng trong bài hát nhằm mục đích giễu nhại châm biếm lối sống phô trương của tầng lớp nhà giàu mới nổi quen tiệc tùng xa hoa ở quận Gangnam, một khu phố giàu mạnh nhất của thành phố Seoul (Nam Triều Tiên). Điểm khác biệt thứ hay là sự tích hợp những trào lưu của xã hội, với việc nhập vai một anh chàng muốn chứng tỏ phong cách "đẹp, sành điệu, sang trọng, cao nhã, quý phái" của giới thượng lưu nhưng hành động thực tế lại là hình ảnh hoàn toàn đối lập: rất bình dân và thô tục, hoàn toàn không hề có một chút phong cách "Gangnam" nào. Thay vì nhảy ở các hộp đêm, anh tiệc tùng với những người về hưu trên một chuyến xe bus, thay vì tập thể dục trong câu lạc bộ thể hình cao cấp, anh tập trong một phòng tắm hơi với hai thành viên băng đảng xã hội đen xăm trổ đầy mình. Trong khi đó anh vẫn liên tục vỗ ngực tự xưng "Anh có phong cách Gangnam" kể cả lúc... đang ngồi trong nhà vệ sinh. Một bài hát tưởng như là ngớ ngẩn với những động tác ngớ ngẩn, những vũ công có bề ngoài ngốc nghếch của một "gã quê mùa học làm sang". Nhưng có một thông điệp rõ ràng và nó được đón nhận nồng nhiệt.

(thông tin có tham khảo bài viết của tác giả Song Ngư)

0 bình luận:

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...