Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2012

Hội nghề nghiệp

Mình chưa từng thành công, thậm chí nếu thành công cũng không bao giờ ở vị trí số một, cụ thể là thất bại nặng nề gần nhất sau gần 2 năm phát triển Cộng đồng Dịch giả trẻ: khái niệm hội nghề nghiệp vẫn chưa được nhiều người hiểu đúng mà chỉ toàn nghĩ nó là một nhóm dịch thuật vì lí do kinh tế hay một công ty đang tuyển cộng tác viên biên dịch, mặc cho khái niệm đó được giới thiệu rất rõ khi mô tả với sự nhấn mạnh vào sự đa dạng của thành viên như một mạng lưới học thuật.

Có lẽ sai lầm của mình là quá tin tưởng rằng với những hỗ trợ tuyệt vời về chủ trương của cơ sở giáo dục công thì sẽ thực sự thu hút được những người dịch trẻ hiểu nghề và có định hướng cụ thể với nghề. Nhưng đó là một giấc mơ không thực tế, bởi với sự tham gia của đa số sinh viên trong một môi trường không ai được định hướng thì chẳng có ai thực sự hiểu nó là cái gì sẽ đi về đâu khi sự hiểu biết không thống nhất. Thậm chí, quán tính lãnh đạo duy ý chí vốn là lối mòn của công tác tập hợp thanh niên cũng không tránh khỏi được áp dụng một cách máy móc vào một mô hình định hướng nghề nghiệp đặc trưng vốn dựa trên sự tự nguyện chứ không phải ép buộc hay theo những chỉ tiêu qua những công văn gián tiếp hoặc mệnh lệnh miệng. Và những người dịch trẻ trở nên e dè với điều đó vì môi trường không hoàn toàn tương thích khi nghĩ rằng đó hoàn toàn là một câu lạc bộ của sinh viên, mặc cho sự hiển nhiên rằng các điều phối viên chính đều là những người đang làm nghề dịch hay giảng dạy. Cho nên, thực tế sự áp dụng mô hình hội nghề nghiệp biên phiên dịch ở trường đại học đã bị phá sản, và những sinh viên năng động nhất cũng không có đủ sự tự tin lẫn sự hỗ trợ vô vụ lợi cần thiết để tự tổ chức cho mình một câu lạc bộ hướng nghề nghiệp bền vững. Trong khi đó, đại đa số sinh viên chuyên ngữ có mục tiêu cuối cùng là kinh tế, chứ không phải dịch thuật và không mấy người thực sự coi dịch thuật là một nghề độc lập; còn các công ty thì phải chạy theo dự án vì lợi nhuận sống còn và đôi khi làm cho những sinh viên ít ỏi quan tâm tới nghề nghĩ rằng công việc mình làm quá thấp kém vì chỉ được đối xử như những người dịch thô nghiệp dư. Số còn lại, ít hơn nữa, khi vào môi trường công ty mới khám phá ra nhu cầu của công việc quá khác so với những gì môi trường đào tạo có thể cung cấp, và đành yên chí rằng người ta không coi bằng cấp của mình có ý nghĩa thực tế nào ngoài kiến thức nền về ngôn ngữ lý thuyết. Và như vậy, cả một nền học thuật tiếp tục bị tụt hậu với tri thức của thế giới khi ngoại ngữ chính để giao tiếp quốc tế là tiếng Anh vẫn là trở ngại lớn cho những chuyên gia đầu tàu kể cả khi đã quyết tâm hội nhập.

Do đó, Cộng động Dịch giả trẻ phải ra đời trên cơ sở nâng cấp từ một mô hình sinh hoạt học thuật bao gồm đa số sinh viên khao khát được trải nghiệm trong môi trường thực hành thực tế cho công việc tương lai nhưng không thể là nguồn nhân sự thế hệ kế tiếp để duy trì chuỗi hoạt động sang hình thức một sự cân bằng giữa tư cách sinh viên và các chuyên gia có khả năng tự đào tạo hoạt động độc lập với sự tập trung nhân sự vào nhóm tích cực trong sinh hoạt cộng đồng như những hạt nhân để lan tỏa phong trào dịch thuật của những người dịch trẻ lẫn chưa trẻ. Từ cộng đồng non trẻ này, thật may mắn đã tìm thấy được những tiềm năng đầu mối ban đầu để làm cơ sở cho những cuộc phổ biến ngược trở lại môi trường đào tạo biên phiên dịch những mô hình và sự hỗ trợ vô vụ lợi mà trước đây chưa hề có. Không ai nói trước được điều gì những hiện tại đây là một hướng đi phù hợp để phổ cập hơn nữa những thiếu sót của nền công nghiệp dịch thuật Việt Nam bị lãng quên vì khoảng cách thế hệ và truyền nguồn cảm hứng cho một thể hệ người dịch ngày càng trẻ hơn với những lý tưởng bớt vật chất chủ nghĩa hơn.

Trong phần đăng ký thông tin thành viên của YTCxHCMC, người đăng ký được hỏi vì sao muốn tham gia làm hội viên của mạng lưới người dịch trẻ tại Tp.HCM và sau đây là một số lí do chung nhất:: (cảm ơn N.P.A.K đã giúp tổng hợp và biên tập)

- Phát triển kĩ năng ngôn ngữ giao tiếp và chuyên ngành
- Phát triển năng lực biên phiên dịch
- Thử thách bản thân
- Thiết lập mạng lưới giao lưu, kết bạn, học hỏi
- Tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp
- Mô hình hoạt động chuyên nghiệp và năng động
- Yêu ngoại ngữ
- Cống hiến cho Cộng đồng Dịch giả trẻ vững mạnh hơn
- Có kinh nghiệm, chuyên nghiệp khi ra trường
- Nhiều cơ hội nhận quà tặng từ các buổi hội thảo và nhiều cơ hội nghề nghiệp.
- Vì là cựu sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (cái này thì đúng định hướng ban đầu khi mình được mời về xây dựng và tổ chức mô hình)
- Thích làm từ thiện và tình nguyện

Trong khi đó, số lượng người đăng ký và tham gia thực tế trong loạt sự kiện lễ kỉ niệm Ngày Dịch thuật Quốc tế do YTCxHCMC tổ chức là một con số quá khiêm tốn với chưa tới 30 người đăng ký và chỉ 1/10 trong số đó coi việc tham gia là nghiêm túc.

Tại sao? Thà rằng nhà vắng mà ai cũng hiểu việc mình làm và làm hiệu quả còn hơn nhà đông nhưng không ai tự biết việc của mình và chỉ chờ đợi một sự chỉ đạo nào đó mơ hồ làm triệt tiêu đi nội lực tiềm ẩn của bản thân.

0 bình luận:

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...