Hoàn toàn giống mọi thiếu niên và thanh niên trong một xã hội sau chiến tranh loạn lạc kéo dài, sở thích cá nhân của mình được gia đình can thiệp bằng cách bắt đi cắt sau mỗi ba tháng hoặc hơn (khi còn ở nhà), và mỗi năm (sau khi đi xa). Ở những tổ chức chính trị xã hội mà mình tham gia, cũng có những ngăn cấm mang tính định kiến như vậy với cùng quan điểm tiêu cực về hình ảnh một sinh vật ăn thịt có tư duy không phải giống cái.
Vậy tại sao tóc mình giờ đây dài quá vậy? Đó là nhờ lần cuối cùng đi xin việc ở nơi mình từng theo học, và một số định kiến về tóc dài ở một số môi trường có gắn biển văn hóa. Mình đã từng gửi hồ sơ đi xin việc ở rất nhiều nơi, nhưng chỗ nhận mình vào làm lâu nhất lại không yêu cầu gì về bằng cấp mà chủ yếu do một năng lực rất ngẫu nhiên mà chỗ đó đang cần chỉ sau một lần trao đổi qua thư. Từ lần cuối cùng xin việc đó, vốn chỉ có 2 ứng viên tại vòng phỏng vấn nhưng không có ai được chọn, mình bắt đầu không cắt tóc nữa vì thấy rằng cắt tóc không giúp xin được việc dù cho khả năng và lý lịch bản thân được đánh giá tốt, dẫn tới một vài xung đột văn hóa gia đình nhưng cái gì hợp lý thì tồn tại, nhất là sau khi mình chứng minh được điều đó là phù hợp với truyền thống gia đình bên ngoại (ông cố của mình là một minh chứng không ai cãi lại được vì ông để tóc dài cho đến lúc mất, và lúc đó ở Việt Nam chưa hề có một tôn giáo nào chủ trương để tóc dài). Hơn nữa, thầy dạy Đại học môn Cơ sở Văn hóa Việt Nam của mình là một người để tóc dài và chẳng ai nói gì thầy cả.
Một người đã làm việc tự do đúng chuyên ngành (dù chuyên ngành đó không ai đào tạo bài bản) ngay sau khi bắt đầu Đại học như mình sẽ không cắt tóc chỉ để đổi lấy một công việc bàn giấy hoặc một vị trí xã hội nào đó có định kiến với tóc dài. Vì mình không tin rằng nếu để tóc dài thì đạo đức hay năng lực một cá nhân có vấn đề. Vấn đề nằm ở chỗ cái định kiến về tóc dài của số đông mà không có không gian cho tư duy độc lập. Những định kiến như vậy còn nhiều thì xã hội Việt Nam còn chưa thoát khỏi tư duy và tâm lý nhược tiểu.
Có thể, một ngày nào đó, sau khi giải quyết xong những trách nhiệm gia đình, mình sẽ vứt bỏ mọi thứ bằng cấp, mọi danh hiệu cá nhân tạm bợ chỉ để chứng minh sự bình đẳng trong một thời buổi vật chất chủ nghĩa thống trị và bắt đầu đi lang thang chuyên nghiệp. Như một người vô gia cư hạnh phúc.
0 bình luận:
Đăng nhận xét