Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

Tình hình các thiết chế văn hóa của Tp.HCM

Theo báo Pháp luật Tp.HCM, dẫn nguồn từ Sở Văn hóa Thể theo và Du lịch Tp.HCM (Sở VH-TT&DL TP) trước ngày 17/08/2012 Tp.HCM có tất cả bốn loại thiết chế văn hóa cấp thành phố: trung tâm văn hóa, nhà văn hóa; nhà hát, rạp hát; bảo tàng và thư viện.

"Ngoại trừ Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, hầu hết thiết chế văn hóa cấp TP trên địa bàn TP.HCM đều sử dụng cơ sở vật chất cũ được xây dựng từ trước năm 1975. Với tám đơn vị biểu diễn nghệ thuật, hiện chỉ có Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang và Nhà hát Kịch TP.HCM có nơi biểu diễn, còn lại các đoàn khác đều không có nơi biểu diễn ổn định. Trong bảy bảo tàng của TP.HCM, chỉ có hai bảo tàng có công năng công trình chuyên ngành, còn các bảo tàng khác đều cải tạo từ cơ sở vật chất có sẵn."

Ngoài ra, Sở VH-TT&DL TP.HCM đề xuất chọn Công viên Tao Đàn (quận 1) làm Trung tâm Văn hóa TP.HCM để làm nơi tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật cho người dân TP.HCM tại buổi khảo sát về thiết chế văn hóa TP của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM chiều 16/08/2012; bên cạnh đề xuất HĐND TP.HCM xem xét cấp vốn xây dựng một số nhà hát, bảo tàng mà Sở đã đề xuất nhiều năm qua; UBND TP.HCM và UBND quận 1 sớm hoán chuyển nhà 69A Lý Tự Trọng (quận 1) giao cho Thư viện Khoa học tổng hợp để làm thư viện thiếu nhi…

Nhà hát nghệ thuật Phương Nam (Trụ sở hoạt động và làm việc của nhà hát tại: Rạp Nhân Dân, số 372 - 374 đường Trần Phú, P.7, Q.5) là thiết chế văn hóa mới nhất được thành lập theo quyết định của Ủy ban Nhân dân Tp.HCM vào ngày 21/10/2013, trên cơ sở hợp nhất Đoàn xiếc thành phố (được thành lập từ năm 1986) và Đoàn Nghệ thuật múa rối thành phố (được thành lập từ năm 1977) và tiếp tục kế thừa các nhiệm vụ của hai đơn vị tiền thân. Cụ thể là tổ chức các chương trình biểu diễn xiếc, múa rối, nghệ thuật tổng hợp; bảo tồn và phát triển nghệ thuật xiếc và nghệ thuật múa rối; đồng thời kết hợp xiếc, múa rối với các loại hình nghệ thuật khác như ca, múa, nhạc, kịch, điện ảnh để xây dựng các chương trình nghệ thuật phong phú, đa dạng. Ngoài ra, nhà hát còn tổ chức trao đổi học tập kinh nghiệm với các đơn vị nghệ thuật, các tổ chức văn hóa, các nhà hát trong nước và nước ngoài; biểu diễn phục vụ văn hóa đối ngoại, giao lưu văn hóa.

Trong quá khứ, Đoàn xiếc thành phố từng nhiều lần phải di dời trụ sở. Trong khi đó, Đoàn Nghệ thuật múa rối từng lâm vào cảnh không rạp không nhà, trong đó lần mới nhất là kể từ tháng 04/2010 khi rạp Măng non giải tán vì khu Eden (trên đường Đồng Khởi, quận 1) bị giải tỏa và kể từ thời điểm đó đoàn chỉ có một văn phòng tạm tại Trung tâm Văn hóa quận 11 (thuê trong hai năm), điểm biểu diễn tạm tại Trung tâm Văn hóa quận 1 ở sân nhà thi đấu Nguyễn Du (thuê trong một năm). Tình trạng đó đựoc nhận định là làm cho nghệ thuật múa rối khó có đựoc thế hệ kế thừa cũng như ảnh hưởng đến sức sáng tạo, linh động trong tổ chức biểu diễn. Trong khi đó, đã có nhiều hội thảo, cơ quan chức năng đã lên tiếng về việc du khách đến Tp.HCM không có chỗ giải trí, thưởng thức nghệ thuật dân tộc.

*Ảnh minh họa: Liên hoan Múa rối lần VII và Trò chơi dân gian lần III khu vực phía Nam năm 2013.

0 bình luận:

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...