Thứ Ba, 15 tháng 10, 2013

Chuyện đi đám tang người nổi tiếng

Năm 2008, Quốc tang cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, hay còn gọi là bác Sáu Dân. Ông là người con của tỉnh Vĩnh Long, là một trong các lãnh đạo Việt Nam hiếm hoi có tìm hiểu và nỗ lực tìm cách giải quyết vấn đề hậu quả sau nước biển dâng do biến đổi khí hậu của vùng đồng bằng sông Cửu Long, thậm chí trước khi mất đột ngột đã sẵn sàng khăn gói sang tận nơi tìm hiểu học tập mô hình ứng phó nước biển dâng của Hà Lan vốn là một quốc gia có diện tích nhỏ hẹp hơn Việt Nam gấp nhiều lần và chịu sự tấn công mạnh mẽ của biến đổi khí hậu nhưng lại là một trong các nước phát triển cao ở châu Âu. Năm đó, hình như đang ở đâu đó, cũng lên kế hoạch đi viếng ở Dinh Độc lập, nhưng không có điều kiện, và đùng một cái, có người rủ đi... canh đám tang của phụ huynh cô Trưởng khoa với mấy người đồng môn và tiền bối (cuối cùng thật ra chỉ là tới hầu chuyện đến khuya cùng mấy đồng môn và tiền bối khác). Rốt cục, chỉ có ở nhà nghiên cứu mức độ cập nhật của báo chí mạng thế giới và phản ứng của các nước theo dòng thời gian về quốc tang năm đó cung cấp trên mạng cá nhân mà hông biết có bao nhiêu người vô đọc, trước khi Yahoo! 360 sụp đổ hoàn toàn.

Đầu năm 2013, đám tang nhạc sĩ Phạm Duy, người được tạm coi là người mở đầu cho phong trào làm mới dân ca Việt Nam thông qua tân nhạc đang rất thịnh hành. Được xem là một người bạn thân suốt nửa thế kỷ của Văn Cao dù đi theo hai con đường khác biệt, ông cũng là người đi tiên phong dịch bài hát, đặc biệt là thể loại cổ ca và dân ca các nước sang tiếng Việt và ngược lại. Có thể nói, bên cạnh kho tác phẩm âm nhạc đồ sộ gần như nhiều nhất Việt Nam hiện chưa ai vượt qua, riêng về mảng này, cũng chưa ai vượt qua được Phạm Duy bởi vì... có ai khác làm vậy đâu. May mắn được tham gia phỏng vấn Phạm Duy đúng một năm trước ngày ông mất, dù được tin ngay trong đêm 27/01/2013 và cũng định tham gia đi viếng nhưng ngại vì không phải người quen của gia đình nhạc sĩ, lại không có thông tin chính xác về việc có thể đến viếng hay không nên cuối cùng không nhớ đã làm những gì trước Tết mặc dù có lẽ đã có những việc ngoài kế hoạch xảy ra liên tục.


Cuối năm 2013, Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bị chấn thương lãng xẹt trước khi thi đấu một giải đấu cấp... không phải là tổ dân phố, cũng hông phải là phường, càng hông phải là quận mà cũng hông phải thành phố dù nó cũng có hai chữ thành phố trong đó. Vậy mà cũng lết đi quay được gần hai chục giờ phim tư liệu ký ức xã hội để dành. Thời gian còn lại... nằm nhà dưỡng thương. Tới ngày Quốc tang thì lại đang... quay phim đám cưới gia đình, sau một đêm không ngủ soạn cho xong bài hát tưởng nhớ Đại tướng. Sang ngày truy điệu thì... đi trại tập huấn nhiếp ảnh và đi hầu chuyện các tiền bối do đã hứa và phải giữ lời. Xong việc, chạy về nhà định tranh thủ tắm để thay bộ đồ không thể dơ hơn sau mấy ngày gió bụi để đi viếng Không gian Tưởng niệm, không ngờ có lẽ do đã di chuyển liên tục ba ngày, tập trung vận động tâm trí soạn xong lời bài hát và bản dịch tưởng nhớ Đại tướng, cảm xúc lẫn lộn giữa đám cưới và quốc tang, hỉ sự và bi sự, ảnh hưởng của đau mắt bất ngờ và hoạt động thần kinh não bộ quá tải, nhận thêm một cú điện thoại nữa, phát hiện ra... không biết mình đã nghe gì và nói gì, sau đó thì... cảm thấy mệt, nằm xuống và bất tỉnh nhân sự không còn biết trời đất gì nữa thay vì ra chỗ hẹn. Vậy là bể kế hoạch đi viếng Không gian Tưởng niệm vừa kết thúc tối khuya hôm trước. Xui xẻo cho thế giới là hơn 12 giờ sau thì tỉnh lại trong trạng thái... mắt không thấy gì vì hình như đã bị lây nhiễm đau mắt từ ai không biết.

Và hôm nay, đi viếng đám tang thân phụ của nghệ sĩ Thanh Bạch, một người cũng được xem là "Trưởng khoa Múa rối và Tạp kỹ" đầu tiên của Việt Nam, mặc dù ai cũng biết là cho tới hiện tại chẳng có cái trường nào hay bộ môn nào dạy mấy thứ đó một cách chính quy ở xứ này hết.

Có lẽ mình chỉ có duyên đi được đám tang thường dân thôi. Cho nên mấy bạn nào chuẩn bị lên làm lãnh đạo hay nhà văn hóa lớn chắc mai mốt khỏi cần dặn con cháu mời mình tới dự. Hông cần nói chắc cũng tự hiểu được. Mà khổ cái là một số bạn mình mới quen một thời gian thì lại lên làm lãnh đạo, còn một số thầy cô hoặc tiền bối cách đây mới cách không lâu cũng thành lãnh đạo hết trơn. Mà mình thì chỉ thích làm thường dân thôi nên suy nghĩ cũng khá là tầm thường, đặc biệt là cho tới gần đây mới biết bà con họ hàng mấy chục năm mới gặp toàn làm lãnh đạo cao cấp.

0 bình luận:

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...