Bài này viết để tặng cô T.K. vì được cô nhờ đi coi về thì cho biết phim con gái cô đóng đạt bao nhiêu phần trăm. Nhận xét về mặt chuyên môn xin dành cho giới có hiểu biết sâu về nghề, ở đây chỉ là mấy cảm nhận mang tính cách cá nhân của một người xem phim độc lập.
Đầu tiên, phải nói là phim này có hiện tượng cháy vé, có thể do dàn diễn viên nữ có ngoại hình thu hút hoặc hệ thống phát hành phim làm việc tốt. Định vào trễ khoảng 20 phút (phim chiếu khoảng sau 10-15 phút từ khi cho khán giả vào rạp) mà mua vé không được đành phải ngồi đợi gần 60 phút cho suất chiếu cuối theo thông tin trên bảng thông báo điện tử. Vậy là tranh thủ rủ rê lần chót coi có ai đi coi chung không vì vào lúc đó vé suất cuối cũng gần hết (theo sơ đồ chỗ ngồi mà nhân viên bán vé cho coi), tiếc là không có thêm ai nhưng giả sử nếu có thêm người muốn coi chung mà khi tới nơi không mua được vé thì cũng phiền.
Theo đoạn phim giới thiệu thì chủ yếu chỉ thấy tạo hình của nhân vật và bối cảnh của nghề thời trang. Tuy nhiên trong phim thì thấy rõ hơn chất hài hước kiểu thường thấy trong các phim Hollywood ở hầu hết các phân đoạn. Khán giả dễ dàng tự khám phá ra những chi tiết gây cười thông qua tình huống bất ngờ nhẹ nhàng có sự kết nối của bối cảnh thay vì nhân vật phải chỉ dẫn trực tiếp hoặc gián tiếp bằng lời thoại dài dòng giống như thường thấy ở nhiều phim Việt Nam. Đó có thể là khác biệt trong tư duy giao thông của hai nền văn hóa, hay kiểu ngây thơ riêng biệt của mỗi nhân vật cho tới chi tiết hào quang sân khấu bất ngờ nhờ sự cố đồ chua và quyết tâm thực hiện kế hoạch.
Bộ phim cũng cẩn thận chiếu phụ đề song ngữ để khán giả tiện theo dõi và đó là một nỗ lực khá cần thiết với một bộ phim có bối cảnh mang tính quốc tế với sự tham gia của diễn viên phụ đúng chất Hollywood.
Chi tiết tưởng tượng quá nhiều của nhân vật nữ chính cũng có thể xem là một phương thức hữu hiệu bằng hình ảnh giúp người xem cảm nhận dần dần cá tính tạo nên lý do cho cốt truyện.
Ngạc nhiên nhất là sự liên hệ ở một chi tiết quê quán của nhân vật Hà My do Trúc Diễm đóng với tưởng tượng của nữ chính cùng với chi tiết cô gái gốc Việt ở đầu phim rất quan tâm đến giữ gìn tiếng mẹ đẻ trong gia đình tương lai ở xứ người. Một sự liên hệ rất nhẹ nhàng nhưng có hiệu quả cho thấy những khía cạnh đa dạng và toàn diện trong nội tâm nhân vật nữ chính. Nhiều khán giả có thể sẽ bất ngờ và cảm thấy thú vị nếu biết rằng thân mẫu của diễn viên Trúc Diễm vốn quê ở Cần Thơ và rất đam mê nghệ thuật sân khấu cải lương và đờn ca tài tử Nam Bộ. Có thể họ sẽ tự hỏi, liệu vai diễn đó và chi tiết đó có phải là một món quà đặc biệt mà nữ diễn viên dành tặng cho bà hay chỉ là sự gặp gỡ tình cờ giữa biên kịch và diễn viên trong quá trình hoàn thành đường dây kịch bản. Hay nó phản ánh xu hướng các đạo diễn cảm thấy cần thiết tích hợp những giá trị truyền thống trong một bộ phim giải trí để nó gần gũi hơn với lớp khán giả của lối sống ngày càng đô thị hóa.
Là chi tiết rất nhỏ của một vai phụ, nhưng hình ảnh một tài tử Việt kiều và một người mẫu sắc nước hương trời trình diễn minh họa một trích đoạn cải lương kinh điển trên nền giọng hát của hai nghệ sĩ Kim Tử Long (cũng cùng quê với thân mẫu Trúc Diễm) và Tài Linh chắc chắn làm những ai chưa quan tâm đến cổ nhạc cũng sẽ phải tìm hiểu cái điều kỳ lạ này tại sao lại xuất hiện trong một bộ phim có vẻ... trớt quớt so với nội dung. Như một lần GS. Trần Văn Khê đã từng gọi đây là phương pháp "dụng sắc quảng bá", tức là dùng cái đẹp bên ngoài để thu hút và làm người khác say mê cái đẹp bên trong của đờn ca tài tử, để bảo tồn một cách chủ động và làm cho nghệ thuật cổ truyền sống mãi. Có lẽ đạo diễn cũng khá tâm đắc phân đoạn mang tính cách tưởng tượng này nên đã ưu ái đính kèm ở cuối phim một đoạn hậu trường khá dài, tiếc là đa số khán giả đã rời khỏi rạp ngay trước khi phần giới thiệu đoàn làm phim (credits) bắt đầu chạy chữ lúc người viết nán lại chờ xem.
Mặc dù là một phim dán nhãn do Việt kiều làm, nhưng có thể tin rằng tinh thần sáng tạo dung hòa giữa cổ và kim, giữa trong nước và ngoài nước của tập thể làm phim sẽ được hoan nghênh và trở thành một làn gió mới cho phong cách làm phim thương mại nhưng bao hàm nhiều giá trị nhân văn.
* Lời hát theo điệu "Duyên thủy ngư" của Kim Tử Long và Tài Linh trong phiên bản Lữ Bố Điêu Thuyền của phim Âm Mưu Giày Gót Nhọn (do Trúc Diễm và Petey Majik diễn minh họa) là trích từ bản âm thanh gốc của tuồng "Liên hoàn kế" do Đài Truyền hình Cần Thơ và Hãng phim Tây Đô sản xuất năm 1995.
Toàn văn lời hát:
"Điêu Thuyền: Em nữ nhi khuê phòng bất xuất
Lữ Bố: Không hề chi
Điêu Thuyền: Em dám đâu vui đùa trăng gió
Lữ Bố: Ta nói không có hề chi
Nay hùng anh đắm say thuyền quyên
Chung hòa câu oanh yến hòa đôi
Tung trời ta lướt gió
Múa ca vui say mừng đón tình xuân..."
0 bình luận:
Đăng nhận xét