Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

Tình hình các thiết chế văn hóa của Tp.HCM

Theo báo Pháp luật Tp.HCM, dẫn nguồn từ Sở Văn hóa Thể theo và Du lịch Tp.HCM (Sở VH-TT&DL TP) trước ngày 17/08/2012 Tp.HCM có tất cả bốn loại thiết chế văn hóa cấp thành phố: trung tâm văn hóa, nhà văn hóa; nhà hát, rạp hát; bảo tàng và thư viện.

"Ngoại trừ Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, hầu hết thiết chế văn hóa cấp TP trên địa bàn TP.HCM đều sử dụng cơ sở vật chất cũ được xây dựng từ trước năm 1975. Với tám đơn vị biểu diễn nghệ thuật, hiện chỉ có Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang và Nhà hát Kịch TP.HCM có nơi biểu diễn, còn lại các đoàn khác đều không có nơi biểu diễn ổn định. Trong bảy bảo tàng của TP.HCM, chỉ có hai bảo tàng có công năng công trình chuyên ngành, còn các bảo tàng khác đều cải tạo từ cơ sở vật chất có sẵn."

Ngoài ra, Sở VH-TT&DL TP.HCM đề xuất chọn Công viên Tao Đàn (quận 1) làm Trung tâm Văn hóa TP.HCM để làm nơi tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật cho người dân TP.HCM tại buổi khảo sát về thiết chế văn hóa TP của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM chiều 16/08/2012; bên cạnh đề xuất HĐND TP.HCM xem xét cấp vốn xây dựng một số nhà hát, bảo tàng mà Sở đã đề xuất nhiều năm qua; UBND TP.HCM và UBND quận 1 sớm hoán chuyển nhà 69A Lý Tự Trọng (quận 1) giao cho Thư viện Khoa học tổng hợp để làm thư viện thiếu nhi…

Nhà hát nghệ thuật Phương Nam (Trụ sở hoạt động và làm việc của nhà hát tại: Rạp Nhân Dân, số 372 - 374 đường Trần Phú, P.7, Q.5) là thiết chế văn hóa mới nhất được thành lập theo quyết định của Ủy ban Nhân dân Tp.HCM vào ngày 21/10/2013, trên cơ sở hợp nhất Đoàn xiếc thành phố (được thành lập từ năm 1986) và Đoàn Nghệ thuật múa rối thành phố (được thành lập từ năm 1977) và tiếp tục kế thừa các nhiệm vụ của hai đơn vị tiền thân. Cụ thể là tổ chức các chương trình biểu diễn xiếc, múa rối, nghệ thuật tổng hợp; bảo tồn và phát triển nghệ thuật xiếc và nghệ thuật múa rối; đồng thời kết hợp xiếc, múa rối với các loại hình nghệ thuật khác như ca, múa, nhạc, kịch, điện ảnh để xây dựng các chương trình nghệ thuật phong phú, đa dạng. Ngoài ra, nhà hát còn tổ chức trao đổi học tập kinh nghiệm với các đơn vị nghệ thuật, các tổ chức văn hóa, các nhà hát trong nước và nước ngoài; biểu diễn phục vụ văn hóa đối ngoại, giao lưu văn hóa.

Trong quá khứ, Đoàn xiếc thành phố từng nhiều lần phải di dời trụ sở. Trong khi đó, Đoàn Nghệ thuật múa rối từng lâm vào cảnh không rạp không nhà, trong đó lần mới nhất là kể từ tháng 04/2010 khi rạp Măng non giải tán vì khu Eden (trên đường Đồng Khởi, quận 1) bị giải tỏa và kể từ thời điểm đó đoàn chỉ có một văn phòng tạm tại Trung tâm Văn hóa quận 11 (thuê trong hai năm), điểm biểu diễn tạm tại Trung tâm Văn hóa quận 1 ở sân nhà thi đấu Nguyễn Du (thuê trong một năm). Tình trạng đó đựoc nhận định là làm cho nghệ thuật múa rối khó có đựoc thế hệ kế thừa cũng như ảnh hưởng đến sức sáng tạo, linh động trong tổ chức biểu diễn. Trong khi đó, đã có nhiều hội thảo, cơ quan chức năng đã lên tiếng về việc du khách đến Tp.HCM không có chỗ giải trí, thưởng thức nghệ thuật dân tộc.

*Ảnh minh họa: Liên hoan Múa rối lần VII và Trò chơi dân gian lần III khu vực phía Nam năm 2013.

Phát hiện mới với Facebook và Linkedin

(chú ý đây chỉ là quan sát và góc nhìn cá nhân không đại diện cho bất kỳ ai)

- Lý do cần phải loại bớt những người không quen biết khỏi danh mục bạn bè trên Facebook là bởi vì... khi bị trục trặc hệ thống bắt nhận diện bạn bè mà không biết ai với ai là coi như chuẩn bị lập tài khoản mới.

- Trên Linkedin có nhiều bạn rất hào phóng và nhiệt tình xác nhận kĩ năng dùm, mặc dù rất cảm ơn nhưng mà cũng phải nói lại là... nhiều người hông có quen, mà hông có quen làm sao biết mà xác nhận?

Ghi lại cho chắc ăn

Do hay quên nên phải ghi lại để nhớ, mà cách hay nhất là cho mọi người biết hết đảm bảo không quên được:

- Bác sĩ đã từ chối điều trị ung thư giai đoạn cuối cho bạn... máy tính xách tay đồ cổ vì... không có phụ kiện để thay.

- Có một điểm truy cập mạng sử dụng tuyệt chiêu... thu phí trước, hết giờ tự động tắt, xài không hết thì trả lại phần còn dư.

- Nhiều quán dịch vụ ăn uống sập tiệm vì chuyện khách dùng xong không chi trả mà chỉ... ghi sổ.

- Thu phí trước hay thu phí sau, đó là cả một nghệ thuật mà người thu phí là một... doanh nhân.

Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2013

Lựa chọn - Nguyễn Hữu Thái


“Người hạnh phúc nhất trên đời không phải là nhà vô địch hoặc triệu phú mà là người biết thưởng thức được các sắc màu của cuộc sống!”

Không biết con trai tôi Thái Hòa lấy ở đâu ra ý tưởng đó khi ghi nó vào lời giới thiệu cuốn băng hình ghi lại các hoạt động văn nghệ của mình mang tên “Sắc màu Cuộc sống”. Tôi nghĩ mình cũng là người hạnh phúc, hãnh diện là đã kinh qua hầu hết các nẻo đường và vinh nhục của cuộc sống. Danh vọng, tiền bạc thì không có gì nhưng có được niềm vui đóng góp phần mình vì mọi người, vì đất nước.

Thế hệ chúng tôi lớn lên trong thời loạn lạc, thường xuyên đối mặt với những thách thức, luôn phải lựa chọn giữa cái đúng cái sai để mà sống cho hợp với đạo lý ở đời. Trong cuộc sống, tôi nghĩ rằng mình đã nếm đủ mùi vị đắng cay lẫn vinh quang suốt nửa thế kỷ qua. Câu chuyện tôi vừa kể cho các bạn nói lên điều đó. Không biết anh em bạn bè khen ngợi hoặc là mỉa mai khi cho rằng tôi vẫn mãi là “con người luôn mang nỗi lo đau đáu của một con dân đất Việt, nặng nợ với các vấn đề của đất nước…”. Mong rằng đó không phải là một lời chê bai sau tất cả những gì đã xảy ra với bản thân tôi. Vì rõ ràng là cho đến ngày hôm nay, tôi vẫn mong muốn làm được gì thật nhiều cho lớp trẻ, cho đất nước mình.

Rải rác trong các bài viết, bài nói tôi thường đưa ra những ý tưởng, quan niệm và nhận xét về các khía cạnh của cuộc sống, gom lại một số thuộc về nhân sinh quan của mình:

-Đời sống tự bản thân nó không có ý nghĩa, trừ ý nghĩa truyền chủng, nhưng mình phải cho nó một ý nghĩa. Loài người từ thời ăn lông ở lỗ đến nay đã làm được nhiều việc và tiến lên về các mặt. Chúng ta đã thừa hưởng công lao, di sản của bao thế hệ đi trước, thì phải duy trì di sản đó và cải thiện nó tùy theo khả năng mỗi người.

-Quan niệm thiện ác, tốt xấu thay đổi tùy thời, tùy nơi. Cái nào ích lợi cho một xã hội vào một thời điểm nào đó thì được xã hội đó cho là tốt; cũng cái đó qua thời điểm khác không còn ích lợi nữa, mà hoá ra có hại thì bị cho là xấu. Ví dụ như quan niệm trọng gia tộc, trung với vua có lợi cho trật tự xã hội thời nông nghiệp phong kiến, bước về thời đại dân chủ công nghiệp, không còn lợi cho xã hội nữa, nên mất giá trị. Vào thời sản xuất được ít, tiết kiệm được đề cao, ngày nay ở Âu Mỹ sản xuất hàng tiêu dùng thừa thãi, tiêu thụ nhiều được xem như một bổn phận đối với xã hội. Tuy nhiên vẫn có một số giá trị vĩnh cửu, dân tộc văn minh nào cũng đều coi trọng, như lòng nhân, đức khoan dung, sự công bằng, tự do, tự chủ...

-Xã hội bao giờ cũng có kẻ tốt người xấu, và việc đời khi giải quyết xong việc này thì lại nảy sinh việc khác, họa phúc lẫn lộn khó lường. Mình cứ làm hết sức mình thôi, còn thì để lại cho các thế hệ sau.

-Chúng ta làm điều phải vì tin nó là điều phải, chứ không phải do ý muốn của Thượng đế hay một thần linh nào, cũng không phải vì mong khi chết thì được nhập Niết bàn hay lên Thiên đàng.

-Đạo nào cũng phải hợp tình, hợp lý, gần gũi với con người thì mới gọi là đạo được. Tôi không tin rằng hết thảy loài người chỉ thấy đời toàn là khổ thôi hoặc phải là tín đồ của một tôn giáo nào đó thì mới được lên thiên đàng.

-Đạo Khổng có vẻ thực tế, hợp tình hợp lý và đầy đủ nhất, xét cả về các mặt “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Lý tưởng đó, cho đến nay loài người vẫn chưa thực hiện nổi. Về tu thân, ba đức “nhân, trí, dũng” luyện được đủ tình cảm, trí tuệ và nghị lực của con người. Thế kỷ mới sẽ là thế kỷ giao lưu văn hóa Đông-Tây. Trong thế kỷ văn hóa đa cực ấy, cần lấy tư tưởng “hòa nhi bất đồng” (hòa hợp mà không đồng nhất), “tứ hải giai huynh đệ” (bốn biển đều là anh em) của Khổng Tử làm cơ sở để thúc đẩy cùng tồn tại hòa bình, cùng hưởng phồn vinh, thay thế cho kỳ thị, hận thù, chiến tranh, đổ máu.

-Thời còn trẻ, tôi quan niệm hạnh phúc thật đơn giản là được thỏa chí tung hoành, làm một việc to tát mình thích, lưu danh lại đời sau. Đến tuổi chín chắn rồi, nhận chân ra hạnh phúc trong cuộc đời không cần phải cao xa như thế, mà nên vừa lòng với một công việc khiêm tốn mà có ích cho xã hội và mong sinh sống được trong một xã hội lành mạnh, ổn định và tương đối thịnh vượng.

-Nếu mỗi người phải đóng một vai trò trong xã hội thì tôi chọn vai trò một nhà giáo, kết hợp với nghiên cứu, viết lách. Sống giữa sách vở hay, tiếp nhận nguồn thông tin dồi dào và có thể đi lại tham quan nghiên cứu đó đây, rồi truyền đạt lại những điều hiểu biết, các kinh nghiệm hữu ích cho mọi người, tạo được lòng quý mến, tin cậy của bạn bè, nhất là của giới trẻ, tôi cho là sung sướng nhất.

-Rất ít khi con người rút được kinh nghiệm của người đi trước. Ai cũng phải tự rút kinh nghiệm của mình rồi mới khôn ra, vì vậy mà thường vấp ngã. Nhưng phải như vậy thì loài người mới tiến lên được.

-Không nên cho trẻ sung sướng quá. Phải tập cho chúng sống có quy củ, kỷ luật, biết tự chủ và hiểu rằng ở đời có những việc mình không thích làm nhưng vẫn phải làm, và làm thì phải làm ngay, hoàn thành cho tốt.

-Nên trọng dư luận nhưng không nên bao giờ cũng nhắm mắt theo dư luận. Biết đắc nhân tâm nhưng cũng có lúc tỏ nỗi bất bình của mình để đứng về phia lẽ phải, cái thiện chống lại cái ác mà không sợ thất nhân tâm.

-Khi nghèo thì phải tận lực phấn đấu với cảnh nghèo, lắm khi làm ta vất vả, lòng khó khoáng đạt, cho nên cần phải làm sao cho đủ ăn thì ta mới giữ được tư cách độc lập của mình. Nhưng khi đã đủ ăn rồi thì đừng nên chỉ chú tâm lo làm giàu, mà phải để thì giờ làm những việc hữu ích mà không vì danh vì lợi. Giá trị của ta ở chỗ làm được nhiều việc như vậy hay không.

-Trong cuộc đời, chỉ nên hưởng cái phần xứng đáng với tài năng của mình thôi. Nếu tài đức tầm thường mà được phú quý, hoặc được nhiều người trọng vọng, thì thế nào cũng sẽ mang họa vào thân.

-Hôn nhân bao giờ cũng là một sự may rủi. Dù sáng suốt và chịu tốn công thì cũng không chắc gì kiếm được người hoàn toàn hợp ý mình. Phải sống chung năm ba năm mới biết rõ được tính tình của nhau. Tốt nhất là vợ chồng cùng có chung lý tưởng và mục tiêu trong cuộc sống. Tuy vậy ta cũng nên quan niệm mọi sự trên cõi đời này đều không có gì là tuyệt đối, hạnh phúc trong hôn nhân cũng vậy thôi.

-Phương Đông có câu: “Thống tất minh” (Đau khổ tất phải kêu lên). Phải chăng những nhà văn, thi sĩ xuất chúng của bao thời đại đã xuất hiện trong các hoàn cảnh đó?

-Sống và chết chỉ là những vấn đề tương đối, nhất là trong chiến tranh. Ta nên can đảm đối mặt chúng và phải biết chọn cái chết vì các lý tưởng ta đeo đuổi và xứng đáng với tổ quốc mình.

Ở đây, tôi cũng có một đôi điều muốn tâm tình với các bạn trẻ. Các bạn sinh ra và lớn lên trong giai đoạn đất nước có hòa bình và độc lập nhưng phải phấn đấu nhiều thì mới đưa được chính bản thân và đất nước mình thoát khỏi cái vòng lẩn quẩn đói nghèo lạc hậu và hội nhập bằng vai vế với người. Các bạn sẽ gặp không ít thách thức, trở lực và cũng phải đối mặt với các sự lựa chọn gay go. Cho nên các bạn phải biết tự rèn luyện cho mhình đủ bản lãnh để có thể vượt qua.

Mỗi thế hệ chúng ta đều phải đối mặt với những vấn đề của thời đại mình và có cách ứng xử cùng lời giải đáp phù hợp. Cho nên trái với những nhận xét bi quan cho rằng lớp trẻ các bạn ngày nay thực dụng, ít lý tưởng, không sâu sắc, bản thân tôi vẫn lạc quan cho rằng các bạn nhạy bén, năng động và dễ dàng hội nhập vào thế giới hơn thế hệ chúng tôi. Mặt khác, tôi vẫn tin tưởng các bạn có đầy đủ nội lực và khả năng đối đầu với các vấn đề mới của thời đại.

Tôi đã có nhiều dịp chứng kiến sức bật đó của tuổi trẻ người Việt mình ở trong lẫn ngoài nước. Cụ thể như ở phương Tây là sự trưởng thành của chính con cháu tôi và bạn bè cùng lứa của chúng trong môi trường cạnh tranh tư bản gay go. Hoặc ở trong nước là sự trưởng thành của nhiều bạn trẻ tôi đã gặp suốt mười năm qua vào giai đoạn đất nước chuyển đổi sang kinh tế thị trường và hội nhập với thế giới. Không thân thế, quan hệ, tiền bạc và phải dấn thân vào một môi trường xa lạ, vậy mà những người trẻ đó vẫn vươn lên và vượt được người chỉ trong một thời gian ngắn. So với nước người, phải chăng cả đất nước Việt mình và bản thân mỗi con người chúng ta đều “có đặc điểm ưu việt của con nhà nghèo nhưng có ý chí tiến thủ và hoài bão lớn”, như nhận xét của một người bạn nước ngoài khi nói về thanh niên Việt Nam.

Điều mong ước của tôi là các bạn, trên con đường tiến lên phía trước đó, phải trang bị cho mình một tâm thức luôn rộng mở, sẵn sàng học hỏi và cả nhận trách nhiệm. Mong rằng khi phải lăn lộn trên đường đời, tuổi trẻ ta đừng sớm rơi vào tâm lý lạnh lùng thực dụng của giới trẻ xã hội công nghiệp phương Tây; đừng quên rằng hạnh phúc con người thực ra chính là sự cảm nhận nội tâm về các giá trị cao đẹp của nhân văn và nghệ thuật.

Cuối cùng, các bạn nhất định không nên mang mặc cảm bi quan “sinh lầm thế kỷ” như nhiều người trong thế hệ chúng tôi, mà phải ý thức được rằng chính chúng ta may mắn sinh ra tại một đất nước hào hùng và nằm tại ngã ba đường quốc tế, nơi hội tụ của các luồng văn hóa Đông Tây.

Chắc các bạn chưa ý thức hết sự kiện Việt Nam đã từng là đối tượng thán phục của nhân dân toàn thế giới. Họ không thể nào tưởng tượng nổi một đất nước vốn yếu kém và nhỏ bé như Việt Nam mình lại có khả năng đánh bại các cường quốc hàng đầu thế giới. Và nay thì Việt Nam quyết tâm xây dựng trong hòa bình nhắm vươn lên thành một nước tiên tiến trong thế hợp tác toàn cầu.

Đó là một đất nước Việt Nam mới mà các bạn cùng tôi đang bắt tay xây dựng.

(Trích chương cuối "Hành trình của một sinh viên Sài Gòn từ chiến tranh đến hòa bình")

Thứ Tư, 13 tháng 11, 2013

Sống và chết - Nguyễn An Ninh

Sống mà vô dụng, sống làm chi
Sống chẳng lương tâm, sống ích gì?
Sống trái đạo người, người thêm tủi
Sống quên ơn nước, nước càng khi.
Sống tai như điếc, lòng đâm thẹn
Sống mắt dường đui, dạ thấy kỳ
Sống sao nên phài, cho nên sống
Sống để muôn đời, sử tạc ghi.

Chết sao danh tiếng vẫn còn hoài
Chết đáng là người đủ mắt tai
Chết được dựng hình tên chẳng mục
Chết đưa vào sử chứ không phai
Chết đó, rõ ràng danh sống mãi
Chết đây, chỉ chết cái hình hài
Chết vì Tổ quốc, đời khen ngợi
Chết cho hậu thế, đẹp tương lai.

(Nguyễn An Ninh - Dấu ấn để lại, NXB Văn Học, 1997, tr.325)

Lý thuyết năm người thầy của Lê Thẩm Dương

Theo TS. Lê Thẩm Dương thì đời người có tất cả 5 ông thầy: ông thầy trên bục (trường học), ông thầy là chính mình (tự học), ông thầy thần tượng (về mặt ý chí không phải giải trí), ông thầy ở các cuộc thi và hội thảo (bạn bè), ông thầy internet "mà sư tổ là Google".

Trong số những người thầy này, ông thầy trên bục được nhìn nhận chỉ là một phần của nền giáo dục. Trong khi đó ở thời điểm hiện tại của năm 2013, tư duy xem trường học là người thầy duy nhất đúng vẫn còn phổ biến tại Việt Nam.





Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...