Thứ Bảy, 27 tháng 12, 2014

Hậu trường hình thành nhóm kể chuyện dân gian Việt Nam

Thông tin hậu trường về quá trình hình thành đoàn Việt Nam tham gia Liên hoan Kể chuyện Quốc tế ở Đại học Mahasarakham. Hi vọng các bạn quan tâm sẽ hiểu thêm và thông cảm cho ban điều hành đoàn về mọi điều sai sót hay hiểu nhầm nếu có. Chúng tôi mong chờ sự tham gia của các bạn trong vai trò đại sứ văn hóa Việt Nam trong những hoạt động khác.
Cắt nghĩa về bí mật hậu trường chuyện Dự án Giao lưu Văn hóa Đông Nam Á - ACEP tổ chức đoàn Việt Nam tham gia Liên hoan Kể chuyện Quốc tế nhân dịp được nghe một ý kiến của thầy Dao Phong Lam:

Trước thông tin về ý định sẽ đi du lịch bụi kết hợp nghiên cứu thực địa làm phim tự liệu sau khi chương trình kết thúc, thầy Lâm có bình luận: "Đi 'phủi' nên để dịp khác. Em nên đi chung kèm cặp và chỉ dẫn tụi nhỏ. Đi đến nơi về đến chốn em à. Nếu hoạt động này có thư/công văn (theo đường chính thống) cho các Trường, anh nghĩ sẽ đông vui hơn, và em không thấy ái ngại với Ban Tổ chức."

Tuy nói là đi "phủi" hay "phượt" hay "bụi" (dọc theo sông Mekong), nhưng thực ra đó là chương trình nghiên cứu thực địa kết hợp làm phim tư liệu của cá nhân em (và sau này sẽ là của tập thể theo chương trình nghiên cứu Mekong của Mekong Friendship House cùng Hãn Nguyên Nguyễn Nhã Foundation và các đối tác). Nó cũng quan trọng như một dự án cả đời làm một lần vậy. Vì khó có ai chịu từ bỏ công việc ổn định để làm những việc mạo hiểm mà họ không sẵn sàng ứng phó.

Em được ban tổ chức mời chính thức và tài trợ toàn bộ, chỉ việc đóng cửa tập luyện chờ tới ngày lên máy bay bay thẳng một lèo, sẽ không phải lo việc tìm thêm đại biểu khác chi cho mất thời gian và mệt mỏi. Nhiều khi cả liên hoan chỉ có mỗi mình em là người Việt Nam như rất nhiều hội nghị khác không chừng lại hiệu quả hơn. Nhưng các trường ở Việt Nam thường có lối làm việc phải có thư xin được hợp tác và tài trợ thì mới đi nên chắc là không quan tâm cái chương trình này đâu. Bởi vì em thành thật tin vào câu thành ngữ "trăm nghe không bằng một thấy" là đúng với cách làm việc theo tư duy nhiệm kỳ của nhiều trường đại học cũng như tổ chức xã hội của Việt Nam mình, nên phải có người làm "thí điểm" thành công rồi mới dám bắt chước làm theo. Mong rằng thời gian sẽ làm cho những chuyện này trở thành kinh nghiệm không phải học lại.

Ban tổ chức chỉ gửi thư mời ngoại giao (chỉ mang tính chất thông báo) khi có người liên lạc, tiếc là không có trường nào có người liên lạc, vì mất thời gian để xây dựng mối quan hệ, như cá nhân em đã làm việc với họ hơn 6 năm rồi mới được mời dù em biết liên hoan này được 2 năm rồi! Em chỉ có thể làm việc để họ gửi về một trường có đại diện chính thức được ủy nhiệm tham gia là ĐHKHXH&NV Tp.HCM. Còn các trường khác, sinh viên đang lo bận lịch thi nên cũng chẳng thấy có trường nào lên tiếng muốn có một thư mời ngoại giao. Nếu như có trường nào, lẽ ra phải liên hệ từ mấy hôm trước, để em nói ban tổ chức một tiếng, có sinh viên hay cựu sinh viên đi, lại có thư của ban tổ chức gửi về trường để mời tham gia, dù sao cũng nở mày nở mặt là trường có đại diện đi dù trường hông có tài trợ gì cho đại diện của mình.

Nhưng (lại nhưng) thời gian hông cho phép, hết hôm nay trường bên đó nghỉ lễ dài hạn, sẽ không có công văn giấy tờ gì nữa. Cho nên em muốn giúp mà lực bất tòng tâm.

Tuy nhiên, trong khả năng của mình (chủ yếu tận dụng thế mạnh của mạng xã hội) em đã phổ biến thông tin để các bạn sinh viên có quan tâm được biết mà thu xếp tham gia: tự trang trải chi phí, được ké miễn phí đăng ký khoảng 90USD cho đại biểu tự do, miễn phí chỗ ở khoảng 33USD/người/3 đêm, miễn phí luôn suất ăn trưa. Tất cả chi phí này (hơn 123 USD/người) đều do một cô trong ban tổ chức hỗ trợ mang tính cách cá nhân, cũng do em đề nghị ngoại giao về việc vận động thêm đại biểu. Như vậy là quá giới hạn hỗ trợ rồi vì nhiều bạn không thể đi vì mới biết lịch thi hay thiếu kinh phí tài trợ cá nhân. Thậm chí có trường hợp không đọc kĩ thông tin nghĩ rằng gửi hồ sơ cho đoàn là sẽ được tài trợ luôn vé máy bay (em cảm thấy đoàn Việt Nam rất đại gia) nhưng sau đó mới vỡ lẽ và xin rút.

Số lượng đăng ký ghép đoàn hiện nay đã vượt qua mức cho phép (17 người!) do vậy em cũng thấy yên tâm và bớt ái ngại với ban tổ chức khi một số đại biểu rút lui chính thức, chứ không phải ái ngại vì ít đại biểu vì như đã nói em là người duy nhất được mời chính thức vì ban tổ chức biết rõ em có thể mang những gì tới liên hoan và họ cũng chỉ cần có vậy và đó là lí do tại sao Việt Nam "ít xuất hiện trên nhiều diễn đàn quốc tế" (không tính một vài người cứ hội nghị nào cũng xuất hiện).

Ngoài ra, hễ đi ra khỏi nơi mình gọi là nhà thì đã phải tự lập rồi, huống hồ là ra nước ngoài. Cho nên, việc kết nối với nhau chung một đoàn là trên tinh thần "đồng chí" chứ không phải "bảo mẫu" vì các bạn đều qua khỏi năm thứ ba đại học, nhiều người đã đi làm một thời gian. Họ không cần người ta làm hết cho mọi thứ để rồi không biết gì khi ở nước ngoài. Hơn nữa, khi về thì mỗi người một hướng em không thể có ba đầu sáu tay để lo hết. Dĩ nhiên, trước và trong liên hoan thì đoàn Việt Nam phải làm việc liên tục và tích cực cùng nhau để bảo vệ hình ảnh và uy tín của Việt Nam.

Em đang còn nhiều chuyện chưa làm xong mà phải viết cái bài dài dòng để mọi người được hiểu rõ tránh hiểu nhầm những việc em đang làm, những gì em phát biểu.

Hình minh họa: hướng dẫn viên Tí Thông Minh đưa cô Truc Khanh đi tham quan Lăng ông Tiền quân Thống Chế Điều Bát Nguyễn Văn Tồn, một tướng quân người Khmer nổi tiếng trong "giao lưu quân sư ASEAN" thời nhà Nguyễn.


Chủ Nhật, 21 tháng 12, 2014

Những điều trông thấy

Cổ động viên xứ nọ hát đồng thanh hàng vạn người một bài hát và múa đồng thanh một vũ điệu và thống nhất cùng làm một hành động chung để tiếp thêm sức mạnh cho đội tuyển của họ và để thể hiện sự thanh lịch với đội bạn. Báo chí và khán giả đội bạn ca tụng họ dù đội tuyển của họ thua đau trong giây phút quyết định.

Cổ động viên xứ mình lèo tèo vài trăm người mà đôi khi đến sân chỉ muốn ngồi vì vốn không muốn cổ vũ mà chỉ muốn có vé vào sân. Đã vậy còn có chuyện gắp lửa bỏ tay người, đốt pháo sáng rồi chạy trốn mặc cho an ninh hỏi thăm những người ngơ ngác. Hay đã mang danh cổ động viên mà khi đội tuyển lâm nguy thì chẳng bao giờ tới sân dù giá vé gần như miễn phí. Hay chuyện nhặt rác sau trận đấu bị xua đuổi như làm điều xằng bậy.

Nỗ lực tập thể, mỗi người một nhiệm vụ mới giải cứu được những nạn nhân sập hầm thủy điện, vậy mà lại có chuyện mỗi nơi khen quân mình một kiểu, ít nhất trên trang mạng xã hội nọ đã có những bình luận khen chê đủ thứ.

Nhiều hội nhóm lập ra chỉ vì vấn đề cảm xúc chứ không phải vì thống nhất phân chia theo chức năng hợp tác.

Mọi ngả đường trọng điểm đều trong tình trạng sẵn sàng rối loạn giao thông vào mọi thời điểm trừ khi có những sắc phục công quyền khiến người ta e dè nhiều hơn là thân thiện.

Có khác chi một xã hội đang ngày càng phân mảnh và sẽ sớm tan vỡ vì những lợi ích bậc thấp.

Than ôi, sau bao nhiêu đổi thay lịch sử, xe đạp vẫn chưa được có làn xe riêng!

---

Chúc mừng đội tuyển Thái Lan đã lần thứ tư lên ngôi vô địch Đông Nam Á. Họ hoàn toàn xứng đáng là một trong những đội hàng đầu khu vực. Hổ Mã Lai đã có một đêm thi đấu tuyệt vời khi dẫn trước ba bàn tuy nhiên may mắn đã không mỉm cười với họ. Quan trọng hơn, những cổ động viên Malaysia đã cho chúng ta thấy đẳng cấp của sự chuyên nghiệp và tinh thần dân tộc đã làm nên một ấn tượng đẹp về hình ảnh quốc gia và tình hữu nghị quốc tế chân chính như thế nào.


Thứ Tư, 17 tháng 12, 2014

Thử viết ngược

Cuối tháng sau là chuyến đi (ngoài dự kiến) nghiên cứu vùng Đông Bắc Thái Lan và đô thành Vientiane. Được mời, nên đã đồng ý luôn không do dự. Chắc là do gần đây hay lảm nhảm mấy bài hát về Khonkaen khi chạy lăng quăng ngoài đường suýt bị tông xe mà không biết.

Giữa tháng sau em gái làm đám cưới.

Tuần sau đứa cháu ở quê làm lễ thôi nôi (dự kiến làm ngày 25 mà chỉ về được ngày 24) do liên tục mấy ngày tiếp theo là loạt sự kiện đã lên lịch, đã hứa và không được phép vắng mặt do tính chất quan trọng có ảnh hưởng to lớn của nó tới chính sách văn hóa & giáo dục quốc gia (mặc dù nhiều người sẽ hông cho là vậy).

Tuần này đã chuyển nhượng phần lớn thời gian cho một công ty phiên dịch cỡ bự (người ta hay gọi nôm na là... mắc dịch), nếu làm không xong sẽ rất mệt (theo tất cả các nghĩa có thể hiểu). Phải thuê người đi quay phim dùm là đủ hiểu.

Một số công việc khác bất thình lình chưa biết khi nào trong khi vẫn chưa liên lạc với nhiều đối tượng trọng điểm do hiện tại không biết biết nghiên cứu tài liệu của khách hàng từ đâu mà ngày mai là bắt đầu công việc rồi.

Ở đâu dạy môn phân thân học?! Đang cần gấp! Hoặc ai biết thuật này rinh về làm quản gia luôn khỏi cần đi học. Nói thiệt.

(vui lòng không trích dẫn và tự suy diễn lung tung)

Thứ Bảy, 6 tháng 12, 2014

Chuyện đàn kiến cánh

(sự tấn công của lũ kiến vào kí túc xá một ngày Thứ Sáu)

Sáng:
Trời trong mây trắng, phòng sạch đẹp
Ngoài sân kiến bay

Chiều:
Trời gió hiu hiu, phòng sạch đẹp
Ngoài sân kiến bay

Tối:
Trời gió tung tăng, phòng đầy kiến
Ngoài sân lá bay

Khuya:
Trời gió hiu hiu, sàn phòng đầy cánh kiến
Phải tắt điện thôi!

[hết => chắc các bạn nào ở kí túc xá đều có cùng cảm giác như thế này]

05/06/2006

Đăng lại sau khi đọc bài "Kiến ba khoang tấn công ký túc xá, sinh viên hoang mang."

Chuyện buôn bán trên Facebook

Chính sách của Facebook: người dùng tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình

Người dùng: sử dụng Facebook làm phương tiện để quảng bá sản phẩm (bất kể là cá nhân hay doanh nghiệp)

Chính sách của nhà quản lý: doanh nghiệp hay tổ chức nào cung cấp nền tảng thương mại điện tử mà không đăng ký sẽ bị phạt nặng

Báo đăng: bán hàng qua mạng không khai báo bị phạt nặng

Thực tế: Facebook là mạng xã hội có tính riêng tư một phần; không đăng ký hoạt động tại Việt Nam và cũng không phải cổng thương mại điện tử.

Đáng chú ý: Năm 2006, rất ít người dùng mạng ở Việt Nam biết Facebook là gì (từ ngày 26 tháng 9 năm 2006, Facebook bắt đầu cho đăng ký tự do với bất cứ ai trên 13 tuổi với một địa chỉ điện thư hợp lệ). Đầu thập kỷ 2010, mặc dù văn hóa mạng xã hội đã phổ biến, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa hiểu Facebook là gì.

(đăng lần đầu tháng lúc 14:09 08/01/2014)

Chuyện đầu tháng

Có những sợi dây dài loằng ngoằng nếu chịu mất thời gian sắp xếp lại gọn gàng thì hiệu dụng bất ngờ.

Cô gái nhỏ đã về và nghe nói đang theo đuổi phong cách thời trang mập đẹp, ốm dễ thương, lòi xương dễ mến. Nhưng tuần sau mới được diện kiến để hàn huyên luyên thuyên!

Đã đến bệnh viện đón em Lê Thị Lục Nhất (Lenovo T61) về để tiếp tục sự nghiệp phụng sự nhơn loại. Em có vẻ tràn đầy năng lượng và sẵn sàng cho những nhiệm vụ bất khả thi sắp được giao.

Nghe nói chênh lệch nhiệt độ của ngày cuối tháng 11 và ngày đầu tháng 12 đủ để lạnh run cầm cập.

Em họ Tam Tinh Gia Thị Tam Lục Ngũ Tam Song Vê (Samsung GT-3653W) đã bỏ nhà đi lạc từ sau 18 giờ ngày 05/12/2014 trên một chiếc xe của Việt Nam Ánh Dương (Vinasun) tiêu cục.

Khi em ra đi đã mang theo toàn bộ danh bạ thân tín của gần một ngàn hảo hữu gần xa, trong số đó có nhiều hảo hữu gần xa chưa . Đã phát tin cho tổng đài của tiêu cục tìm cách kiếm em về đoàn tụ với gia đình.

Nếu em không về, mọi liên lạc từ nay xin liên lạc qua đường thư tay cho đến khi tìm được em. Những hảo hữu cần liên lạc thường xuyên vui lòng cập nhật dùm số điện thư qua danh bạ Brewster hoặc điền lại qua biểu mẫu tại đây: http://goo.gl/forms/mEKfTsJ9x9

Kính báo.
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...