Thứ Bảy, 27 tháng 12, 2014

Hậu trường hình thành nhóm kể chuyện dân gian Việt Nam

Thông tin hậu trường về quá trình hình thành đoàn Việt Nam tham gia Liên hoan Kể chuyện Quốc tế ở Đại học Mahasarakham. Hi vọng các bạn quan tâm sẽ hiểu thêm và thông cảm cho ban điều hành đoàn về mọi điều sai sót hay hiểu nhầm nếu có. Chúng tôi mong chờ sự tham gia của các bạn trong vai trò đại sứ văn hóa Việt Nam trong những hoạt động khác.
Cắt nghĩa về bí mật hậu trường chuyện Dự án Giao lưu Văn hóa Đông Nam Á - ACEP tổ chức đoàn Việt Nam tham gia Liên hoan Kể chuyện Quốc tế nhân dịp được nghe một ý kiến của thầy Dao Phong Lam:

Trước thông tin về ý định sẽ đi du lịch bụi kết hợp nghiên cứu thực địa làm phim tự liệu sau khi chương trình kết thúc, thầy Lâm có bình luận: "Đi 'phủi' nên để dịp khác. Em nên đi chung kèm cặp và chỉ dẫn tụi nhỏ. Đi đến nơi về đến chốn em à. Nếu hoạt động này có thư/công văn (theo đường chính thống) cho các Trường, anh nghĩ sẽ đông vui hơn, và em không thấy ái ngại với Ban Tổ chức."

Tuy nói là đi "phủi" hay "phượt" hay "bụi" (dọc theo sông Mekong), nhưng thực ra đó là chương trình nghiên cứu thực địa kết hợp làm phim tư liệu của cá nhân em (và sau này sẽ là của tập thể theo chương trình nghiên cứu Mekong của Mekong Friendship House cùng Hãn Nguyên Nguyễn Nhã Foundation và các đối tác). Nó cũng quan trọng như một dự án cả đời làm một lần vậy. Vì khó có ai chịu từ bỏ công việc ổn định để làm những việc mạo hiểm mà họ không sẵn sàng ứng phó.

Em được ban tổ chức mời chính thức và tài trợ toàn bộ, chỉ việc đóng cửa tập luyện chờ tới ngày lên máy bay bay thẳng một lèo, sẽ không phải lo việc tìm thêm đại biểu khác chi cho mất thời gian và mệt mỏi. Nhiều khi cả liên hoan chỉ có mỗi mình em là người Việt Nam như rất nhiều hội nghị khác không chừng lại hiệu quả hơn. Nhưng các trường ở Việt Nam thường có lối làm việc phải có thư xin được hợp tác và tài trợ thì mới đi nên chắc là không quan tâm cái chương trình này đâu. Bởi vì em thành thật tin vào câu thành ngữ "trăm nghe không bằng một thấy" là đúng với cách làm việc theo tư duy nhiệm kỳ của nhiều trường đại học cũng như tổ chức xã hội của Việt Nam mình, nên phải có người làm "thí điểm" thành công rồi mới dám bắt chước làm theo. Mong rằng thời gian sẽ làm cho những chuyện này trở thành kinh nghiệm không phải học lại.

Ban tổ chức chỉ gửi thư mời ngoại giao (chỉ mang tính chất thông báo) khi có người liên lạc, tiếc là không có trường nào có người liên lạc, vì mất thời gian để xây dựng mối quan hệ, như cá nhân em đã làm việc với họ hơn 6 năm rồi mới được mời dù em biết liên hoan này được 2 năm rồi! Em chỉ có thể làm việc để họ gửi về một trường có đại diện chính thức được ủy nhiệm tham gia là ĐHKHXH&NV Tp.HCM. Còn các trường khác, sinh viên đang lo bận lịch thi nên cũng chẳng thấy có trường nào lên tiếng muốn có một thư mời ngoại giao. Nếu như có trường nào, lẽ ra phải liên hệ từ mấy hôm trước, để em nói ban tổ chức một tiếng, có sinh viên hay cựu sinh viên đi, lại có thư của ban tổ chức gửi về trường để mời tham gia, dù sao cũng nở mày nở mặt là trường có đại diện đi dù trường hông có tài trợ gì cho đại diện của mình.

Nhưng (lại nhưng) thời gian hông cho phép, hết hôm nay trường bên đó nghỉ lễ dài hạn, sẽ không có công văn giấy tờ gì nữa. Cho nên em muốn giúp mà lực bất tòng tâm.

Tuy nhiên, trong khả năng của mình (chủ yếu tận dụng thế mạnh của mạng xã hội) em đã phổ biến thông tin để các bạn sinh viên có quan tâm được biết mà thu xếp tham gia: tự trang trải chi phí, được ké miễn phí đăng ký khoảng 90USD cho đại biểu tự do, miễn phí chỗ ở khoảng 33USD/người/3 đêm, miễn phí luôn suất ăn trưa. Tất cả chi phí này (hơn 123 USD/người) đều do một cô trong ban tổ chức hỗ trợ mang tính cách cá nhân, cũng do em đề nghị ngoại giao về việc vận động thêm đại biểu. Như vậy là quá giới hạn hỗ trợ rồi vì nhiều bạn không thể đi vì mới biết lịch thi hay thiếu kinh phí tài trợ cá nhân. Thậm chí có trường hợp không đọc kĩ thông tin nghĩ rằng gửi hồ sơ cho đoàn là sẽ được tài trợ luôn vé máy bay (em cảm thấy đoàn Việt Nam rất đại gia) nhưng sau đó mới vỡ lẽ và xin rút.

Số lượng đăng ký ghép đoàn hiện nay đã vượt qua mức cho phép (17 người!) do vậy em cũng thấy yên tâm và bớt ái ngại với ban tổ chức khi một số đại biểu rút lui chính thức, chứ không phải ái ngại vì ít đại biểu vì như đã nói em là người duy nhất được mời chính thức vì ban tổ chức biết rõ em có thể mang những gì tới liên hoan và họ cũng chỉ cần có vậy và đó là lí do tại sao Việt Nam "ít xuất hiện trên nhiều diễn đàn quốc tế" (không tính một vài người cứ hội nghị nào cũng xuất hiện).

Ngoài ra, hễ đi ra khỏi nơi mình gọi là nhà thì đã phải tự lập rồi, huống hồ là ra nước ngoài. Cho nên, việc kết nối với nhau chung một đoàn là trên tinh thần "đồng chí" chứ không phải "bảo mẫu" vì các bạn đều qua khỏi năm thứ ba đại học, nhiều người đã đi làm một thời gian. Họ không cần người ta làm hết cho mọi thứ để rồi không biết gì khi ở nước ngoài. Hơn nữa, khi về thì mỗi người một hướng em không thể có ba đầu sáu tay để lo hết. Dĩ nhiên, trước và trong liên hoan thì đoàn Việt Nam phải làm việc liên tục và tích cực cùng nhau để bảo vệ hình ảnh và uy tín của Việt Nam.

Em đang còn nhiều chuyện chưa làm xong mà phải viết cái bài dài dòng để mọi người được hiểu rõ tránh hiểu nhầm những việc em đang làm, những gì em phát biểu.

Hình minh họa: hướng dẫn viên Tí Thông Minh đưa cô Truc Khanh đi tham quan Lăng ông Tiền quân Thống Chế Điều Bát Nguyễn Văn Tồn, một tướng quân người Khmer nổi tiếng trong "giao lưu quân sư ASEAN" thời nhà Nguyễn.


0 bình luận:

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...