Sông Mekong là nguồn sống cưu mang 70 triệu cư dân trong đó có đến 70 sắc tộc. Mekong mang nhiều tên khác nhau tùy dân cư từng vùng sông: Trên thượng nguồn, người Tây Tạng gọi Mekong là Dzu Chu (River of Rocks), Trung Quốc gọi là Lancang Jiang (sông Cuồng Nộ), người Thái gọi là Mae Nam Khong (sông Mẹ) và người Việt gọi là sông Cửu Long.
Lancang-Mekong chảy xiết xuống từ 5,000 m độ cao, len vào những khe núi đá, đổ xuống biên giới Trung Quốc, mất 4,500 m độ cao; khi vào biên giới Lào-Trung chỉ còn cao độ 500 m, chảy xuống những nước hạ nguồn, đến đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) rồi ra biển.
Tài nguyên thiên nhiên
Sông Mekong được tạo hóa ban cho 1,500 - 1,700 giống cá, và nhiều sinh vật hoa màu. Về sự phong phú đa dạng sinh thái, sông Mekong chỉ đứng sau sông Amazon mà thôi. Nhưng Mekong khác hơn tất cả các dòng sông lớn khác ở chỗ Mekong còn ít bị khai thác nhất còn sót lại cho nhân loại.
Tạo hóa ban cho Mekong một hồ chứa thiên nhiên hoàn hảo đó là biển Hồ Tonle Sap. Ðây là kho tàng vô giá và một phép lành cho dân cư Campuchia và ÐBSCL. Biển Hồ vừa vựa cá cho dân Campuchia, vừa là khiên chắn lũ và vừa là hồ nước cho cả trăm ngàn tấn cá sinh sản cho dân Campuchia và Việt Nam thu hoạch tại hạ nguồn.
Dân tộc Thái và Lào tin vào thần thoại thần Naga đã sống tại dòng Mekong, sau khi tĩnh tâm, thần Naga đã nhả ra hồng cầu, to như quả trứng, bay từ mặt sông lên trời. Truyền thuyết này đã được dân chúng làm thành lễ hội truyền thống của họ. Người Campuchia còn tin rằng họ chính là con cháu của công chúa con gái thần Naga sinh ra. Do đó, sông Mekong còn có ý nghĩa văn hóa và linh thiêng đối với cư dân lưu vực
Mekong là bát cơm, đĩa cá, lợi tức, kế sinh nhai và nguồn sống còn của 70 triệu người đa số là nông ngư dân. Nguồn sống này vẫn có từ ngàn năm nhưng nay đang trên đà suy thoái, bị tàn phá nặng nề phần lớn bởi con người đã và đang khai thác bất trách thêm vào thiên tai và biến đổi khí hậu toàn cầu.
Phù sa
Sông Mekong mang một trọng tải phù sa xuống hạ nguồn và ra cửa biển. Theo nghiên cứu năm 2006 của nhà địa lý học Avijit Gupta của trường Ðại Học Leeds Lancang-Vân Nam đổ vào Mekong 80 triệu tấn phù sa hay 50% của tổng số 150-170 triệu tấn phù sa về hạ nguồn (Avijit Gupta et al, Sediment Storage and Transport in the Mekong, Dundee, UK, 2006). Nguồn phù sa này là nguồn chất dinh dường thiên nhiên cho ngư sản và phân bón cho hoa màu nông nghiệp hạ nguồn. Phù sa này còn là nguồn bồi đắp thiết yếu cho duyên hải miền nam Việt Nam và dinh dưỡng cho sinh vật ở đó. (Minutes of the MRC Regional Workshop on Discharge and Sediment Monitoring and Geomorphological Tools for the Lower Mekong Basin, 21-22 October 2008, Vientiane, Lao PDR)
Ngư nghiệp
Lưu vực sông Mekong sản xuất được 1.5 triệu tấn ngư sản hàng năm, số ngư sản này là 80% nguồn chất đạm cho 70 triệu dân cư lưu vực. Giá trị ngư sản của Mekong ước tính là 2-3 tỉ USD hàng năm.Mekong còn là nơi trú ẩn sinh tồn của nhiều loài cá hiếm quý gần tuyệt chủng như loài cá hô Pangasianodon gigas (giant cat fish mà người Thái gọi là Pla Buk), Irrawaddy (dolphin) và hàng trăm giống di ngư - migratory fish - bơi xuống hạ nguồn để trưởng thành và rồi lớn lên trở ngược lại thượng nguồn để đẻ trứng theo một chu trình thiên nhiên của chúng
Nông nghiệp
Tổng số gạo sản xuất từ ba nước Việt Nam, Thái Lan và Campuchia tương đương với 10% tổng số lượng gạo xuất cảng trên của thế giới. Việt Nam đã xuất cảng 4.6 triệu tấn trong bảy tháng đầu và dự trù xuất cảng đến 6 triệu tấn gạo (2.7 tỉ USD) trong năm 2009. Số lúa gạo này là nhờ phần lớn vào ÐBSCL, phù sa màu mỡ và nước sông cung cấp cung cấp từ thượng nguồn.
Trích biên tập và giới thiệu phần đầu bài viết "Mekong trên đường suy thoái" của tác giả Phạm Phan Long: http://namkyluctinh.org/a-ctri-kte/pplong-mekongsuythoai.pdf
0 bình luận:
Đăng nhận xét