Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2011

Nghe Thanh Nga hát "Mưa rừng"

Ca khúc “Mưa rừng” là bài hát chính trong vở tuồng cải lương cùng tên của hai soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng, với phần tân nhạc của nhạc sĩ Huỳnh Anh. Sau khi thành công với phiên bản cải lương trên sân khấu và đài phát thanh, hãng phim Alpha chuyển thể vở "Mưa rừng" thành bộ phim màu màn ảnh rộng đầu tiên của Việt Nam vào năm 1962 với sự tham gia của Kim Cương, Kiều Chinh, Lê Quỳnh, Ngọc Phu. Trong phiên bản này, ca khúc "Mưa rừng" do Thanh Nga và Phương Dung trình bày và phim do Thái Thúc Nha (chủ hãng phim Alpha, sau này là xí nghiệp phim Nguyễn Đình Chiểu) làm đạo diễn.

Toàn văn lời bài hát như sau:
(tân nhạc)
Mưa rừng ơi mưa rừng
Hạt mưa nhớ ai mưa triền miên
Phải chăng mưa buồn vì tình đời
Mưa sầu vì lòng người
Duyên kiếp không lâu


Mưa từ đâu mưa về
Làm bao lá hoa rơi tả tơi
Tiếng mưa gió lạnh lùng ngoài mành
Lá vàng rời lìa cành
Gợi ta nỗi niềm riêng


Câu 1:


Chạnh nhớ thương ai mà lòng em xao xuyến,
buồn nào hơn khi nghe tiếng mưa... rừng
Tiếng mưa rơi theo suối lệ ngập ngừng
Em cất tiếng than dưới trời thu lạnh


(tân nhạc)
Mưa rừng ơi mưa rừng
Hạt mưa nhớ ai mưa triền miên
Phải chăng mưa buồn vì tình đời
Mưa sầu vì lòng người
Duyên kiếp không lâu


(vọng cổ)
Em gởi lời ca trong lệ sầu tức tưởi


Câu 2:


Mưa từ đâu bay về thôn xóm lạnh
Khi người đi như một cánh chim trời
Anh xa em không nhắn gởi đôi lời


(tân nhạc)
Mưa từ đâu mưa về
Làm bao lá hoa rơi tả tơi
Tiếng mưa gió lạnh lùng ngoài mành
Lá vàng rời lìa cành
Gợi ta nỗi niềm riêng


(vọng cổ)
Ôi lạnh từ đâu sao mưa còn rơi mãi
Người ấy xa rồi tôi biết đợi chờ ai


(đọc thơ)
Em biết thầy cai ở thị thành
Còn em là gái của rừng xanh
Mấy lời giã biệt em còn nhớ
Những tiếng giao thề chuyện sắt đinh
Em nhớ mãi người yêu trong mộng tưởng
Thuở phong kỳ bụi cuốn nẻo sơn khê
Một năm qua sao chẳng thấy quay về
Sầu tuyệt vọng não nề hồn sơn nữ


Câu 5:
Mưa rừng ơi mưa rừng còn trở về đây
theo hơi gió thoảng, sao người ra đi mãi mãi chẳng quay... về
Rừng núi âm u như vướng đọng hương thề


(tân nhạc)
Ôi - ta mong ước xa xôi
Nhưng đêm mãi xa vời
Gởi tâm tư về đâu
Mưa - thương ai mưa nhớ ai
Mưa rơi như nức nở
Mưa rơi trong lòng tôi


(vọng cổ)
Lòng của ai sao hồn nhiên thanh thản
Còn lòng của em như ai oán muôn đời


Câu 6:


(tân nhạc)
Mưa rừng ơi mưa rừng
Tìm đâu hỡi ôi bóng ngày xưa
Mỗi khi mưa rừng về muộn màng
Bóng chiều vàng dần tàn
Lòng thương nhớ nào nguôi


(vọng cổ)
Duyên kiếp không lâu nên phải sầu tuyệt vọng
Ta chỉ gần nhau trong giấc mộng canh tàn
Mưa rừng ơi mưa về đây run rẫy cả không gian
Mưa rơi mãi cho lòng ta thêm lạnh
Mưa rơi trong gió ngập ngừng
Trời thu nức nở mưa rừng quạnh hiu.



* Một số thông tin về nhạc sĩ Huỳnh Anh:

Huỳnh Anh (sinh 1932 ở Cần Thơ – ) là con trai của nghệ sĩ Sáu Tửng, một người chơi đàn kìm nổi tiếng của nhạc cải lương miền Nam. Năm 1947 Huỳnh Anh chính thức bước vào con đường âm nhạc với vai trò một tay trống trong một ban nhạc tại thành phố Đà Lạt. Từ đó cho tới năm 1957, ông là nhạc công cho những đoàn cải lương, các phòng trà ca nhạc với các ban nhạc Philippines do chơi được nhiều nhạc cụ, từ guitar, piano cho tới kèn, percussion. Từ những năm 1950, Huỳnh Anh là một tay trống nổi tiếng của các vũ trường. Năm 1957 ông trở thành trưởng ban nhạc và trình diễn ở nhiều phòng trà, vũ trường của Sài Gòn cho tới 1975.

Huỳnh Anh sáng tác không nhiều, chỉ khoảng 20 bài. Một trong những nhạc phẩm đầu tiên của ông là "Em gắng chờ", ra đời khoảng cuối thập niên 1950. Tiếp theo đến những ca khúc khác được nhiều người biết tới như "Lạnh trọn đêm mưa", "Kiếp cầm ca" và "Mưa rừng" sáng tác cho vở cải lương cùng tên. Theo lời của Huỳnh Anh, ca khúc "Kiếp cầm ca" ông sáng tác để tặng nghệ sĩ Thanh Nga. Huỳnh Anh còn có một nhạc phẩm "Thuở đó có em" nổi tiếng qua tiếng hát của Sĩ Phú.

Ông cũng sáng tác một vài ca khúc cho các phim điện ảnh như ca khúc "Loan Mắt Nhung" cho bộ phim cùng tên năm 1970 có sự tham gia diễn xuất của Thanh Nga và "Sa mạc tuổi trẻ" trong phim "Điệu ru nước mắt".

0 bình luận:

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...