Toàn văn lời bài hát như sau: (được gõ lại do không tìm thấy nguồn tham khảo, có thể có sai sót.)
[nói lối]
Xa xa sóng biếc, bao la trời nước
Bến sông xanh lặng lẽ xuôi dòng
Ai đã gieo bao cung đàn tha thiết
Cho kẻ ly hương ray rức tơ lòng
Sông Bassac sóng đùa theo bọt nước
Tưởng chừng như ai thả lá đề thơ
Trời sang thu lành lạnh dưới sương mờ
Đàn hải điểu dật dờ theo khói sóng
[vọng cổ câu 1]
Bắc Cần Thơ đợi giờ đò cập bến
Tôi nghe đâu đây đồng vọng tiếng ca buồn
Đôi vợ chồng son với một chiếc độc huyền
Tay nương chiếc gậy tre tay ôm chiếc đàn sương gió
Hai mái tóc bạc màu bởi dày dạn gió sương
Có lẽ từ khi mới bắt đầu cất bước ly hương
Họ cũng đã bao phen nhỏ lệ khóc thương đời
Nên sau bờ mi sâu thẫm chơi vơi
Đôi mắt tinh anh đã mất đi rồi ánh sáng
[nhạc dạo]
[vọng cổ câu 2]
Nghe tiếng nhạc lời ca của đôi vợ chồng nhạc sĩ mù lòa tăm tối
Tôi bâng khuâng chưa muốn vội sang đò
Bến Bắc chiều nay lành lạnh khói sương mờ
Thôi thì ngồi xuống đây nghe vài câu vọng cổ
Để vơi nỗi u phièn bởi gió bụi đường xa
Sóng trập trùng ngoài sông rộng bao la
Đàn hải điểu là đà trên mặt nước
Tôi bỗng rưng rưng đôi dòng nước mắt
Gởi trọn hồn mình qua tiếng nhạc lời ca.
[nhạc dạo]
[nói lối]
Em cất tiếng ca bản tình Lan và Điệp
Tiếng em buồn não nuột tựa lời than
Tôi nhớ giọng ca nữ nghệ sĩ Út Bạch Lan
Buồn hơn cả những điệu đàn thiên cổ
[vọng cổ câu 3]
Em ca rằng: Điệp ơi mái tóc xuân xanh em đã cắt đi sau lời khẩn nguyện
Trong khi giữa thiền môn vọng lại tiếng chuông buồn
Nức nở lời ca não dạ khách qua đường
Sông Bassac gió chiều chuyển hướng
Sóng rạt rào trải nặng giữa hoàng hôn
Nghe lòng trống trải cô đơn
Buồn theo những tiếng độc huyền chiều tan
Sông dài sóng cuộn mênh mang
Lửa binh vạn nẻo lầm than một đời
[nhạc dạo]
[vọng cổ câu 4]
Nghe tiếng đờn ca mà lòng tôi chua xót
Nước mắt từ đâu bỗng tuôn rơi từng giọt xuống vai gầy
Quay mặt đi tôi nhìn theo những cánh chim khuất dạng cuối chân trời
Tôi nhớ giọng ca của Mỹ Châu - Lệ Thủy
Đã ám ảnh hồn minh qua những lúc canh thâu
Giờ đây xuôi ngược về đâu
Cánh chim bạt gió dãi dầu nắng sương
Kiếp tằm nặng mối tơ vương
Ngồi nghe sóng vỗ mà thương phận mình
[nhạc dạo]
[vọng cổ câu 5]
Câu vọng cổ cuối cùng vừa dứt tiếng song lan
Đã thấy vạn con đò lướt sóng
Thôi giã biệt Tây Đô nhiều thơ mộng
Những tiếng độc huyền với giọng hát liêu trai
Người ơi người đâu biết kẻ đang nghe đàn kẻ ấy là ai
Tôi cũng không dám hỏi người từ đâu tới
Hai chúng ta là hai kẻ chân trời góc biển
Cùng cảm thông nhau những tiếng tơ đồng
[vọng cổ câu 6]
Bản ca buồn người dạo tôi nghe
Tôi cũng xin tặng lại mấy dòng thương nhớ
Đêm đêm trở giấc ưu phiền
Nhớ tiếng độc huyền nơi bến lạnh chiều xưa.
Một số ghi chú: (có tham khảo Wikipedia)
* Bassac là một tên gọi khác của sông Hậu, hay Hậu Giang, là một trong hai phân lưu của sông Cửu Long. Phân lưu còn lại là sông Tiền. Cửu Long tách ra thành sông Tiền và sông Hậu tại lãnh thổ Campuchia. Ở Campuchia, sông Hậu được gọi là sông Bassac (Tonlé Bassac theo tiếng Khmer). Vì thế nó còn có tên gọi nữa là sông Ba Thắc. Sông Hậu đổ ra biển Đông qua cửa Tranh Đề và cửa Định An. Cửa Ba Thắc đã bị đất bồi từ khoảng thập niên 1970 nên không còn nữa. Trên lãnh thổ Việt Nam, sông Hậu chạy qua tỉnh An Giang, làm ranh giới tự nhiên giữa các tỉnh Đồng Tháp và Cần Thơ, Vĩnh Long và Cần Thơ, Hậu Giang và Vĩnh Long, Trà Vinh và Sóc Trăng. Đoạn rộng nhất của con sông nay là giữa huyện Cầu Kè (Trà Vinh) và huyện Long Phú (Sóc Trăng) khoảng gần 4 km.
* Trước khi có cầu Cần Thơ (cầu dài nhất Đông Nam Á) nối hai bờ Vĩnh Long và Cần Thơ, phương tiện di chuyển của giao thông đường bộ được chuyển tiếp bằng phà lớn. Bến phà Cần Thơ băng qua sông Hậu nằm trên quốc lộ 1 nối liền tỉnh Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ, với bờ phía Vĩnh Long đặt tại thị trấn Cái Vồn, huyện Bình Minh (do đó bờ bắc còn được gọi là bến phà Cái Vồn hay bến phà Bình Minh), bờ phía Cần Thơ đặt tại phường Cái Khế, quận Ninh Kiều. Khoảng cách 2 đầu bến phà là 1840 m. Kể từ khi phà Mỹ Thuận ra đời vào đầu thế kỷ 20, hệ thống đường bộ Nam kỳ đã mở rộng. Tại Cần Thơ, người Pháp cũng bắt đầu xây dựng bến tàu và Bungalow để cho một số tàu khách và tàu buôn ghé qua giao thương mua bán. Đến năm 1915, toàn quyền Đông Dương đã ra Nghị Định cho đắp lộ đá từ Sài Gòn đi Rạch Giá - Cần Thơ. Cùng lúc đó (khoảng 1914 -1918) việc xây dựng bến phà Cần Thơ cũng được tiến hành. Khi phà Cần Thơ đi vào hoạt động, đường xe từ Cần Thơ đi Sóc Trăng, Long Xuyên, Vĩnh Long cũng bắt đầu đắp và dần dần chỉnh trang.
Nhiều vị cao niên, trong đó có luật sư Nguyễn Văn Khâm, 95 tuổi, kể rằng bến phà phía Cần Thơ đầu tiên nằm tại bờ sông gần dinh Tỉnh trưởng cũ, nay là địa điểm cầu Ninh Kiều bắc qua cồn Cái Khế, sau đó mới dời về vị trí hiện nay. Phà Cần Thơ ngang sông Hậu dài 1.840 mét, trong đó bờ Vĩnh Long - bờ Bắc đặt tại thị trấn Cái Vồn, huyện Bình Minh. Trước đây, nhiều người gọi phà là “bắc” (theo âm tiếng Pháp “bac”, có nghĩa là đò ngang) như bắc Cần Thơ, bắc Mỹ Thuận, Sở đò Mỹ Thuận.
Ông Nguyễn Văn Kiếm, 86 tuổi, nhân viên phà Cần Thơ từ năm 1945, tài công từ năm 1948, cho biết: “Vào những năm 1945-1950, bắc Cần Thơ chỉ có 3 chiếc nhỏ, mui trần, cặp bến một đầu, mỗi chiếc chở được hai xe đò. Mỗi chiếc thường có 6 nhân viên phục vụ gồm 2 tài công chính, phụ; 2 thủy thủ và 2 thợ máy. Phà hoạt động hằng ngày từ 4 giờ sáng đến 10 giờ đêm."
Ông Lê Tấn Phát, công nhân làm việc dưới phà cho biết ponton phà lúc đó rời gồm 2 phần: phần phao nổi cố định và phần di động cho xe lên xuống. Mỗi lần phà cặp bến, từng chiếc xe đổ xuống ponton rồi bốn nhân viên mới dùng tay quay bàn cầu có hình chữ thập sao cho đúng vị trí bàn phà để xe gie xuống. Lúc cặp bến, xe chạy thẳng lên bờ khỏi phải quay đầu.
Trong cuốn Hồi ký Sơn Nam, tác giả cho biết lúc nhỏ ông có dịp xuống phà chơi nhìn thấy ở bờ sông có ngôi miếu nhỏ thờ Thủy Long, dưới hầm máy cũng có trang thờ Thủy Long. Người coi lái phà ngồi trên mui cao, còn thợ máy thì làm việc dưới hầm tối om om để theo dõi việc vận hành của máy. Mỗi lần nghe tiếng kẻng hiệu lệnh của tài công (hoa tiêu), người thợ máy vội nắm cây cần điều khiển giảm tốc độ khi phà từ từ tiến vào bờ.
Mỗi lần qua phà thích nhất là nhìn dòng sông êm đềm và những về lục bình trôi man mác. Đặc biệt là những chiếc xuồng chài trên sông tạo thành một bức tranh quê dung dị, hiền hòa và thơ mộng. Trên phà lúc nào cũng sôi động, mọi người tất bật với công việc mưu sinh, mua bán.
Người miền Tây, ai cũng có nhiều kỷ niệm với phà Cần Thơ, với dòng sông và bến nước, nhất là những gánh hàng rong chân quê, mộc mạc suốt ngày lầm lụi trên những chuyến phà. Giờ đây những hình ảnh đó đã đi vào hồn, vào ký ức của mỗi người. Không còn bao lâu nữa mọi người sẽ tạm biệt con phà... Ai mà chẳng thương, chẳng nhớ và hoài niệm! Cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu được khởi công xây dựng vào tháng 9, 2004 nhằm mục đích thay thế phà Cần Thơ.
0 bình luận:
Đăng nhận xét