Thứ Năm, 11 tháng 11, 2010

Hội thảo Quốc tế về Biển Đông lần hai

Theo tin từ nguồn của TS. Nguyễn Xuân Diện và báo Pháp luật Tp.HCM, Học viện Ngoại giao (Bộ Ngoại giao Việt Nam) phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam tổ chức Hội thảo Quốc tế về Biển Đông lần thứ hai với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực” trong hai ngày 11 và 12 tháng 11 năm 2010 tại khách sạn New World (76 đường Lê Lai, Quận 1, Tp.HCM).

Trong hai ngày làm việc (11 và 12-11), hội thảo có bảy phiên thảo luận về các vấn đề như: Tầm quan trọng của biển Đông trong môi trường chiến lược đang thay đổi; Những diễn biến gần đây ở biển Đông: Hệ lụy đối với an ninh và thịnh vượng ở khu vực; Tranh chấp tại biển Đông: Những vấn đề luật pháp quốc tế; Giải quyết tranh chấp và quản lý xung đột ở biển Đông: Kinh nghiệm và triển vọng…

Hội thảo lần này quy tụ những học giả hàng đầu thế giới về vấn đề Biển Đông và Luật quốc tế đến từ các nước thuộc khu vực ASEAN, Anh, Na Uy, Hoa Kỳ, Canada, Úc... và đặc biệt có cả các học giả của Trung Quốc, Đài Loan.

Hội thảo lần thứ nhất về biển Đông được Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia Việt Nam phối hợp tổ chức tại Hà Nội năm 2009. Ngoài ra, cũng về Biển Đông, Học viện Ngoại giao cũng đã tổ chức một hội thảo toàn quốc tại Hà Nội vào ngày 17 tháng 3 năm 2009. Cuộc hội thảo đã có một số khuyến nghị như sau:
- Chính sách của Việt Nam về Biển Đông phải đặt trong tổng thể chính sách đối ngoại toàn diện, bao gồm cả an ninh, phát triển và nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam. Phải đặt vấn đề Biển Đông trong quan hệ quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo dõi các động thái của TQ, quan hệ Trung – Mỹ, Trung Quốc- các nước ASEAN, quan hệ Trung - Đài.
- Phải xây dựng được hồ sơ pháp lý đầy đủ về vấn đề này dùng để đấu tranh chính trị, tuyên truyền, đàm phán và lúc cần cho việc phân xử tại Tòa án quốc tế.
- Quốc hội cần thông qua luật về chủ quyền đối với Hoàng Sa - Trường Sa. Chính phủ cần có chiến lược biển toàn diện và đồng bộ, liên quan đến nhiều lĩnh vực, trong đó chú ý đến việc hiện đại hóa quân đội nhằm tăng cường sức mạnh răn đe.
- Nên 4 hóa vấn đề tranh chấp ở Biển Đông: Xã hội hóa, Công khai hóa, Quốc tế hóaPhi nhạy cảm hóa.
- Đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, biển Đông dựa trên hai sức mạnh là dân tộc và thời đại. Dân tộc: là khối đại đoàn kết dân tộc (trong và ngoài nước); và Thời đại là luật pháp quốc tế, tính chính nghĩa của Việt Nam.
- Tăng cường công tác nghiên cứu, nâng cao năng lực của đội ngũ khoa học về Biển Đông. Cấp học bổng đi học tại nước ngoài. Tuyên truyền và giáo dục cho thế hệ trẻ về Biển Đông, nuôi dưỡng tinh thần yêu nước và ý chí bảo vệ chủ quyền dân tộc của các thế hệ mai sau, coi đó là một chiến lược quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông của ta.

0 bình luận:

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...